Philippines hy vọng năm nay có Quy tắc ứng xử Biển Đông

Tư liệu- Phản ứng của người dân Philippines khi Tòa trọng tài Quốc tế ra phán quyết có lợi cho nước này về vấn đề biển Đông, ngày 12 tháng 07 năm 2016.

Ngoại trưởng Philippines ngày 11/1 tuyên bố Philippines, nước đang tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc, hy vọng khung sườn cho Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông sẽ được hoàn tất vào giữa năm nay.

Ngoại trưởng Perfecto Yasay Bộ Quy tắc ứng xử sẽ giúp xuống thang căng thẳng tại các vùng biển, nơi Trung Quốc đã bắt đầu quân sự hóa những hòn đảo nhân tạo được xây sau khi Philippines đệ đơn kiện bản đồ đường lưỡi bò lên Tòa án trọng tài tại The Hague.

Năm ngoái tòa phán quyết có lợi cho Philippines, bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên hải lộ này. Tuy nhiên, phán quyết của Tòa án không được đưa vào lịch trình làm việc của hội nghị thượng đỉnh ASEAN trong năm nay, theo một giới chức Philippines cho biết trong tuần trước.

Tổng thống Philippines , Rodrigo Duterte, tháng trước nhắc lại là ông muốn tránh đối đầu với Trung Quốc và không thấy cần thiết phải thúc ép Trung Quốc tuân thủ phán quyết này.

Ông Yasay nói Bộ Quy tắc ứng xử sẽ đảm bảo các nước ASEAN và Trung Quốc theo đúng những tiến trình pháp lý và ngoại giao trong việc giải quyết những tranh chấp lãnh thổ.

Vẫn theo lời ông, phán quyết của Tòa trọng tài có thể không có tác động đến Bộ Quy tắc ứng xử vì Manila không thể giải tỏa các cấu trúc trên đảo nhân tạo Trung Quốc đã xây trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cho biết Bắc Kinh đang thương thuyết với ASEAN để hoàn tất dự thảo khung trong quý một năm nay, đồng thời cảnh báo là giai đoạn tham khảo kế tiếp sẽ “gay go hơn.”

Ông nói Trung Quốc và ASEAN tin tưởng rằng đôi bên có thể “giữ vững hòa bình- ổn định” và tự do hàng không, hàng hải tại Biển Đông.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông giàu năng lượng. Khoảng 5.000 tỉ đô la hàng hóa chuyên chở bằng tàu biển qua lại vùng biển này mỗi năm. Các nước láng giềng như Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam cũng nhận chủ quyền trên vùng biển này.