Hỏi đáp Anh ngữ: Preposition

Hỏi đáp Anh ngữ: Preposition

Chào VOA. Em có thắc mắc ở một số câu sau: I listen to a song. The sales representative promptly responded to my complaints. You shouldn’t have procrastinated on your homework. Theo ý em thì các câu trên bỏ đi giới từ cũng không có gì sai? Phải không ạh? Thế nhưng trong tự điển lại gặp rất nhiều động từ + 1 giới từ đi kèm sau, nếu ta bỏ đi giới từ đó thì động từ cũng đủ làm rõ nghĩa cho cả câu hay không? Xin cám ơn.

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đến VOA.

Câu hỏi về preposition đứng sau động từ là một câu thường gặp của học viên học tiếng Anh khi thấy những điều dị biệt giữa tiếng Anh và tiếng Việt về cấu thức và về cách dùng giới từ. Trường hợp bạn đưa ra, to listen to (lắng nghe), tiếng Việt (lắng nghe bài hát) không có giới từ đi sau; tương tự, to respond to a complaint (giải đáp một điều than phiền), trong tiếng Việt không dùng giới từ.

Bạn đưa ra ba thí dụ:

(1) I listen to a song (tôi nghe một bài hát).
(2) The sales representative promptly responded to my complaints (người bán hàng mau mắn trả lời than phiền của tôi).
(3) You shouldn’t have procrastinated on your homework (lẽ ra bạn không nên chần chừ làm bài tập về nhà).

Nếu bỏ preposition "to" thì câu số 1 thành “I listen a song”: tuy không đúng văn phạm nhưng cũng diễn tả đủ nghĩa “Tôi nghe một bản nhạc.” Trong trường hợp này nghĩa đủ rõ dù không dùng "to". Nhưng có nhiều câu, khi thay preposition thì nghĩa thay đổi như:

- Chết vì bịnh thì dùng die of (Mrs. Smith died of cancer 2 years ago). Hay khi nói khát hay đói quá: I’m dying of thirst. Do you have anything to drink?=Tôi khát quá. Bạn có gì uống không?

- Khi nói chết vì tai nạn thì dùng die from (The soldier died from his wounds=Người lính chết vì vết thương; The youths died from burns=Mấy thiếu niên chết vì phỏng).

- To look nghĩa là nhìn. Nhưng: "To look up" có nghĩa là tra một chữ trong tự điển hay tìm tới thăm: If you don’t understand the meaning of a word, look it up in a good dictionary=Nếu bạn không hiểu nghĩa một chữ thì tra chữ đó trong một cuốn tự điển tốt. If you pass by Washington, look me up=Nếu bạn tạt qua Washington, nhớ tới tìm tôi nhé.

=> Tóm lại: Khi học tiếng Anh, gặp một idiom mà ta chưa rõ nghĩa thì tra từ điển, và dùng idiom đó như một nhóm chữ và dùng trong một câu để nhớ cách dùng.

Trở lại thí dụ của bạn, to listen to, khi mới học chữ này, nên học liền một nhóm chữ (listen to chứ không học listen) và dùng trong nhiều câu để biết cách dùng. Thí dụ:

- I’m fond of listening to classical music=Tôi thích nghe nhạc cổ điển.

- Listen carefully to what I’m about to say= Lắng nghe kỹ điều tôi sắp nói đây.

- I told him not to go, but he didn’t listen (to me)= Tôi bảo nó đừng đi, nhưng nó có nghe tôi đâu.

- None of this would have happened if you’d listened to me=Chuyện này đâu có xẩy ra nếu như anh nghe lời tôi khuyên.

- I wish I’d listened to your advice=Phải chi tôi nghe theo lời khuyên của anh (nhưng tôi không nghe).

Ðôi khi listen không dùng to đi sau như:

- Listen! What’s that noise? Can you hear it?=Hãy lắng nghe! Tiếng gì vậy? Có nghe thấy không?

- I’m sorry. I wasn’t listening=Xin lỗi, lúc bạn nói tôi không lắng nghe.

- Listen in=dò nghe bằng máy: The FBI listened in on their conversations for months=Cục Ðiều tra Liên bang đã dò nghe cuộc nói chuyện của chúng cả mấy tháng rồi.

Một cuốn từ điển về idioms, thí dụ: Richard A. Spears. McGraw-Hill’s Dictionary of American Idioms and Phrasal Verbs New York: McGraw-Hill, 2005.

Hay có thể dùng website http://www.thefreedictionary.com/

=> Ðừng phí thì giờ so sánh và lý luận tại sao tiếng Anh lại viết hay nói như vậy vì mỗi ngôn ngữ có một lối nói riêng tuy có thể có vài tương đồng. Chỉ cần để ý xem trong mỗi trường hợp tiếng Anh viết hay nói thế nào.

Chúc bạn tiến bộ trong việc trau giồi Anh ngữ.

* Quý vị muốn nêu câu hỏi/ ý kiến/ thắc mắc, xin vui lòng vào trang Hỏi đáp Anh ngữ của đài VOA để biết thêm chi tiết.