Quan chức Philippines thúc giục khai thác chung ở biển Đông

Trung Quốc đặt dàn khoan Hải Dương 981 trên biển Đông, cách đất liền của Việt Nam 210km (130 hải lý) hồi tháng 4/2014. Một quan chức Philippines vừa lên tiếng kêu gọi chính phủ nước này tham gia khai thác dầu chung trên biển Đông để tránh một cuộc chiến tranh nổ ra.

Philippines nên tham gia vào chương trình thăm dò dầu khí chung với các nước khác trên biển Đông để tránh một cuộc chiến có thể xảy ra, đặc phái viên phụ trách Đối thoại liên văn hóa, Jose De Venecia, kêu gọi.

Cựu chủ tịch hạ viện Philippines De Venecia được trang mạng Philstar.com dẫn lời cho biết ông đã từng đề xuất ý kiến khai thác dầu chung trên biển Đông từ những năm 1970.

“Tại sao chúng ta lại sẵn lòng tham gia chiến tranh khi mà chúng ta có thể có sự thương lượng về dầu khí một cách thực tế và có thể hình dung được ở biển Đông, nơi mọi người cùng tham gia vì tất cả trữ lượng dầu và vùng biển này là do Chúa ban tặng cho chúng ta,” ông Denecia nói trong một cuộc phỏng vấn với chương trình Headstart đầu tuần này.

Vị cựu chủ tịch Hạ viện Philippines nhấn mạnh rằng khu vực biển đang có tranh chấp không thuộc sở hữu của Philippines, Trung Quốc, hay bất kỳ nước nào có tuyên bố chủ quyền tại đây cả.

Ông DeVenecia dẫn dụ rằng các nước khác cũng đã có những thỏa thuận cùng khai thác thành công như thỏa thuận hoạt động chung ở Biển Bắc giữa Na Uy, Đức và Vương quốc Anh.

Vẫn theo lời ông De Venecia, Tổng thống Philippines có thể có những kế hoạch khác để gạt sang một bên phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về tuyên bố đường 9 đoạn trên biển Đông.

“Nếu ông (Duterte) gạt sang một bên phán quyết của Tòa quốc tế, ông ấy ắt phải có lý do, nghĩa là ông ấy đang lên kế hoạch thương lượng một thỏa thuận trong đó Philippines sẽ có một phần đáng kể hễ khám phá được dầu ở biển Đông. Đó là vấn đề cùng chia sẻ dầu khí,” ông De Venecia nói.

Vào tháng 7/2016, Tòa trọng tài quốc tế của Liên Hiệp Quốc ra phán quyết có lợi cho Philippines và không công nhận những tuyên bố quá đáng của Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp.

Tòa nói Bắc Kinh đã vi phạm cam kết theo Công ước Luật Biển khi xây các đảo nhân tạo trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Philippines, Trung Quốc và Việt Nam cùng tham gia Thỏa ước Hợp tác Thăm dò Địa chấn biển chung trên biển Đông dưới thời Tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo. Thỏa ước này đã được đưa ra chất vấn tại Tòa tối cao Philippines. Tòa không đưa ra được phán quyết về tính hợp pháp của Thỏa ước trước khi nó mất hiệu lực vào năm 2008.