Quan chức chính quyền quân quản Myanmar thăm Campuchia sau khi bà Suu Kyi lĩnh án

Ngoại trưởng Myanmar (trái) gặp Thủ tướng Campuchia (phải), 7/12/2021.

Bộ trưởng ngoại giao Myanmar do quân đội bổ nhiệm, Wunna Maung Lwin, có các cuộc hội đàm ở Campuchia hôm thứ Ba 7/12, một ngày sau khi quân đội Myanmar bị nhiều bên lên án vì đã kết án tù giam đối với nhà lãnh đạo bị phế truất Aung San Suu Kyi về tội kích động và vi phạm các quy định về COVID-19. Ông Wunna Maung Lwin gặp Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại Phnom Penh.

Campuchia sẽ là chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên vào năm tới, khối này đã có những chia rẽ liên quan đến thành viên Myanmar kể từ khi chính phủ của bà Suu Kyi bị lật đổ trong cuộc đảo chính ngày 1/2.

Với việc một số thành viên ASEAN tức giận vì quân đội Myanmar không chịu thực hiện cam kết chấm dứt xung đột và bắt đầu đối thoại, nhà lãnh đạo Min Aung Hlaing của Myanmar đã không được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh qua mạng giữa các nhà lãnh đạo ASEAN vào tháng 10, đây là một sự xa lánh chưa từng có.

Nhưng ông Hun Sen nói hôm 6/12 rằng các quan chức quân đội Myanmar nên được mời tham dự các cuộc họp của khối. Trong nhiều năm, ông Hun Sen đối mặt với sự chỉ trích từ các nhóm nhân quyền và các chính phủ phương Tây về những việc mà họ xem là ông đàn áp dân chủ.

Eang Sophalleth, trợ lý của thủ tướng, cho biết hai ông Hun Sen và Wunna Maung Lwin đã thảo luận về quan hệ song phương, các vấn đề ASEAN và cách thức để thiết lập lại mối quan hệ tốt đẹp trong khối.

Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar cũng chuyển đến ông Hun Sen lời mời tới thăm Myanmar vào ngày 7-8/1 và ông Hun Sen đã nhận lời, Eang Sophalleth cho biết. Ông Hun Sen sẽ là nhà lãnh đạo cấp chính phủ đầu tiên đến thăm Myanmar kể từ sau cuộc đảo chính.

Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn cũng đã gặp ông Wunna Maung Lwin và nói rằng Campuchia và các quốc gia thành viên ASEAN khác sẽ giúp Myanmar đạt được "một giải pháp đôi bên cùng có lợi".

Ông không nói rõ về những gì có thể sẽ diễn ra và không đề cập đến bản án đối với bà Suu Kyi trong các tuyên bố chính thức về chuyến thăm của Bộ trưởng Myanmar.

Quốc tế lại tập trung chú ý đến Myanmar hôm 6/12 khi một tòa án của nước này tuyên bà Suu Kyi phạm tội kích động và vi phạm các quy định hạn chế về virus corona. Nhiều người chỉ trích rằng đó là một phiên tòa lố bịch

Bà Suu Kyi sẽ bị giam cầm trong 2 năm tại một địa điểm không được tiết lộ, sau khi bản án của bà được giảm một nửa với lệnh ân xá một phần từ người đứng đầu quân đội Myanmar.

(Reuters)