Quốc hội sẽ bãi nhiệm ông Phạm Phú Quốc vì có thêm quốc tịch Cyprus

Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc. Screenshot từ trang Đầu Tư online.

Chiều 17/9, Tổng thư ký Quốc hội Việt Nam thông báo sẽ bãi nhiệm ông Phạm Phú Quốc vì có hai quốc tịch, chứ không giải quyết cho thôi nhiệm vụ đại biểu quốc hội như đơn xin của ông.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 17/9, về việc chuẩn bị nội dung kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 14, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết sẽ bổ sung nội dung trình bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc vào chương trình kỳ họp, dự kiến khai mạc vào ngày 20/10, theo trang VNExpress.

“Thường vụ Quốc hội thống nhất giao Ban công tác đại biểu hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội bãi nhiệm ông Phạm Phú Quốc vào kỳ họp thứ 10, khai mạc trong tháng sau”, ông Phúc nói với trang VNEXpress hôm 17/9.

Theo dự kiến, chiều ngày 12/11, Ủy ban Thường vụ trình Quốc hội sẽ bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, báo Tiền Phong dẫn lời ông Phúc cho biết.

Nội dung này sẽ được thảo luận ở Đoàn trước khi Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín, ông Phúc cho biết thêm.

Your browser doesn’t support HTML5

Đại biểu Quốc hội Việt Nam có quốc tịch châu Âu xin thôi chức

Theo quan sát của VOA, thông thường các cuộc bỏ phiếu kín đối với một đại biểu “không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân” đều vượt quá 2/3 số phiếu và như vậy nhiều khả năng ông Quốc sẽ bị bãi nhiệm vào tháng 11 tới.

“Anh rất am hiểu luật pháp nhưng vẫn vi phạm. Sau khi có quốc tịch thứ 2, đại biểu không hề báo cáo với Quốc hội. Đây là lỗi nặng, cần xử lý nghiêm túc, bãi nhiệm (theo điều 40, Luật Tổ chức Quốc hội) chứ không thể cho thôi nhiệm vụ”, VNExpress dẫn lời ông Phúc cho biết thêm.

Ông Quốc là đại biểu Quốc hội thứ hai của khóa 14 bị phát hiện có hai quốc tịch. Vào năm 2016, doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường bị bác tư cách đại biểu Quốc hội vì có thêm quốc tịch Malta, dù khi ấy chưa có quy định đại biểu chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam như quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), thông qua vào tháng 6/2020.

Sau khi bị báo chí nước ngoài phanh phui có mang hộ chiếu Cộng hoà Síp (Cyprus), ông Quốc đã có đơn xin thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và xin thôi nhiệm vụ tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), một công ty 100% vốn nhà nước do UBND Thành phố Hồ Chí Minh quản lý.

XEM THÊM: Việt Nam ‘xác minh’ tin đại biểu quốc hội 'mua' hộ chiếu châu Âu

Ông Quốc thừa nhận khi trả lời phóng viên trong nước rằng ông có quốc tịch đảo Síp từ năm 2018 nhưng cho biết rằng tại thời điểm ứng cử đại biểu Quốc hội vào năm 2016, ông chỉ có một quốc tịch Việt Nam.

Theo hồ sơ ứng cử đại biểu quốc hội năm 2016, ông Phạm Phú Quốc, 52 tuổi, vào Đảng năm 2001, “trưởng thành” từ hoạt động của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và giữ nhiều vị trí quản lý, điều hành các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh.