Quyền phụ nữ có thể bị đảo ngược trong tiến trình hòa bình Afghanistan

  • Selah Hennessy

Phụ nữ Afghanistan tuần hành trong thủ đô Kabul với biểu ngữ kêu gọi công ly cho một phụ nữ trẻ bị giết hồi năm 2012

Chỉ còn 18 tháng nữa trước khi các lực lượng quốc tế triệt thoái ra khỏi Afghanistan, và những tháng còn lại sẽ rất quan trọng đối với phụ nữ tại đây, theo phúc trình của một ủy ban Liên Hiệp Quốc vừa mới công bố trong tuần này. Ủy ban này cảnh báo rằng những thành tựu đã đạt được trong những năm gần đây có thể bị đảo ngược.

Các quyền của phụ nữ ở Afghanistan đã đạt được tiến bộ kể từ sau sự sụp đổ của chế độ Taliban vào năm 2001 - phụ nữ có mặt trong các trường học, tại những nơi làm việc, và trong hệ thống chính quyền. Nhưng theo Liên Hiệp Quốc, những tiến bộ ấy có thể bị lâm nguy trong những tháng tới đây.

Bà Nicole Ameline là người đứng đầu Ủy ban Liên Hiệp quốc đặc trách nỗ lực xóa bỏ nạn phân biệt đối xử đối với phụ nữ. Bà nói rằng các quan chức Afghanistan đã bảo đảm với bà rằng các quyền của phụ nữ sẽ được duy trì sau khi các lực lượng quân sự quốc tế rút ra khỏi Afghanistan. Bà nói:

"Tôi đã nhận cam kết chính thức từ Đoàn đại biểu Afghanistan ở LHQ. Họ tuyên bố: 'Chúng tôi đồng ý với quý vị, rằng các quyền của phụ nữ không thể được mang ra thương lượng'."

Bà Ameline nói đó là một tin tích cực. Nhưng tại một đất nước gặp nhiều vấn đề an ninh và nơi xảy ra nạn nghèo đói nghiêm trọng, cộng đồng quốc tế phải dồn hết nỗ lực để duy trì vấn đề quyền phụ nữ như một ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Afghanistan.

Theo chỉ số bất bình đẳng giới tính gần đây nhất của Liên Hiệp Quốc, tình trạng của phụ nữ ở Afghanistan được đánh giá thuộc hạng tồi tệ nhất trên thế giới.

Phú trình hôm thứ Hai cảnh báo rằng Afghanistan là nơi "bạo lực đối với phụ nữ rất phổ biến", kể cả nạn bạo hành trong gia đình, và các trường hợp phụ nữ bị hãm hiếp và bị ném đá.

Phúc trình này nêu bật một số cuộc tấn công đang gia tăng nhắm vào các trường học dành cho nữ sinh, do các nhóm Taliban thực hiện, kể cả trường hợp nhiều nữ sinh đã ngã bệnh vì bị nghi là ngộ độc.

Bà Ameline nói bà e rằng các quyền của phụ nữ có thể bị gạt sang một bên trong các cuộc đàm phán hòa bình - đặc biệt trong bối cảnh chỉ có 9 phụ nữ trong tất cả 70 thành viên của Hội đồng Hòa bình, cơ chế đã được thiết lập để thương thuyết hòa bình với phe Taliban. Bà Ameline phát biểu:

"Tình hình thật hết sức mong manh. Chúng ta biết rằng 18 tháng tới sẽ vô cùng quan trọng cho quyền làm người của phụ nữ. "

Bà nói rằng chưa gì đã có những dấu hiệu cảnh báo nguy cơ các tiến bộ quan trọng về quyền phụ nữ có thể bị đảo ngược.

Đạo luật Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ năm 2009 của Afghanistan cấm các cuộc hôn nhân cưỡng ép và nạn hiếp dâm.

Đạo luật này đã được ký như một sắc lệnh của Tổng thống Hamid Karzai nhưng vẫn chưa được Quốc hội phê chuẩn. Hai tháng trước đây, cuộc tranh luận tại quốc hội về luật này đã bị ngưng lại sau chỉ có 15 phút vì đạo luật đã bị chỉ trích quá nặng nề.

Afghanistan cũng ban hành luật bầu cử, đặt chỉ tiêu về số ghế dành cho phụ nữ trong quốc hội. Nhưng trong tháng này tỷ lệ ghế dành cho phụ nữ tại hội đồng tỉnh đã được hạ xuống từ 25 xuống còn 20%.

Ông Marvin Weinbaum là một chuyên gia về Afghanistan tại Viện Trung Đông ở thủ đô Washington.

Ông nói điều quan trọng là chính phủ Afghanistan phải lập ra các đạo luật để bảo vệ phụ nữ:

"Họ đang đặt ra các tiêu chuẩn đúng đắn, những gì họ nghĩ là luật lệ và cách hành sử mà họ muốn mọi người tuân theo. Ít nhất mục tiêu đã được đề ra để các nhà lãnh đạo tương lai của Afghanistan có thể từ đó xây dựng thêm lên. "

Nhưng ông nói rằng điều cũng rất quan trọng là phải thừa nhận rằng thay đổi không thể xảy ra trong một sớm một chiều – bất chấp khung sườn pháp lý. Ông nhận định:

"Afghanistan sẽ vẫn là một xã hội theo chế độ phụ hệ. Có những điều mà họ khó có thể thay đổi, đó là những giá trị đã bén rễ sâu trong xã hội. "

Ủy ban Liên Hiệp Quốc về xóa bỏ phân biệt đối xử đối với phụ nữ đã được thành lập vào năm 1982. Ủy ban này gồm các chuyên gia về các vấn đề phụ nữ đến từ khắp nơi trên thế giới.