Sau khi Mỹ rút, các cường quốc còn lại cố gắng đạt thỏa thuận với Iran

The words "Expect Us" are spray-painted on the base of the Andrew Jackson statue in Lafayette Park as Indigenous and environmental activists protest in front of the White House in Washington.

Các cường quốc thế giới và Iran hôm thứ Sáu ngày 6/7 dường như không có đột phá gì cụ thể trong các cuộc đàm phán về một gói kinh tế cho Iran để bồi thường cho các lệnh trừng phạt của Mỹ vốn sẽ bắt đầu có hiệu lực vào tháng Tám.

Ngoại trưởng các nước Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc đã gặp người đồng cấp Iran tại Vienna lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng Năm, nhưng các nhà ngoại giao nhận thấy cơ hội cứu vãn nó rất hạn chế.

Kể từ khi Mỹ rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân này mà theo đó các lệnh trừng phạt đối với Iran được dỡ bỏ để đổi lấy những hạn chế trong chương trình hạt nhân của họ và những hạn chế này phải được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) kiểm chứng, Washington đã yêu cầu các nước ngưng mua dầu từ Iran nếu không sẽ chịu các hậu quả tài chính.

Phát biểu sau ba giờ đàm phán, cao ủy EU phụ trách đối ngoại, bà Federica Mogherini, người chủ trì cuộc đàm phán, đã đọc một tuyên bố từ sáu đoàn tham dự trong đó lặp lại những ưu tiên rộng đã được tuyên bố trước đó bao gồm từ việc đảm bảo cho Iran thu nhập từ dầu mỏ cho đến tất cả những hình thức hợp tác thương mại và đầu tư khác.

Bà Mogherini cũng cho biết là tất cả các bên đều quyết tâm tìm ra và thực thi giải pháp.

“Tất cả những cam kết được đưa ra ngày hôm nay cần phải được thực hiện trước thời hạn chót là tháng Tám… việc Iran có tiếp tục ở lại thỏa thuận hay không tùy thuộc vào các lãnh đạo ở Tehran… đây không phải là đề xuất chính xác và hoàn chỉnh,” Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif nói với các phóng viên.

Trước đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã nói rằng các cường quốc phải cố gắng tuân thủ thời hạn chót đó.

“Chúng tôi đang cố gắng đưa ra gói kinh tế trước khi các lệnh trừng phạt được áp đặt vào đầu tháng 8 và sau đó là vòng trừng phạt kế tiếp vào tháng 11. Đối với thời hạn tháng 8 thì thời gian còn lại quá ngắn, nhưng chúng tôi cố gắng vào trước tháng 11,” ông Le Drian cho biết.

Về phần mình, Ngoại trưởng Đức Heiko Mass nói ông không mong đợi đàm phán sẽ đổ vỡ nhưng ông cho rằng cần có thêm các cuộc đàm phán trong tương lai. Ông nhấn mạnh rằng các cường quốc sẽ cố gắng đền bù cho Tehran.

Những trụ cột trong chiến lược của châu Âu là: khoản cho vay của Ngân hàng Đầu tư châu Âu – một biện pháp đặc biệt để bảo vệ các công ty EU trước các lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ, và một đề xuất của Ủy ban châu Âu rằng các chính phủ Âu châu sẽ chuyển tiền trực tiếp vào ngân hàng trung ương Iran để tránh các biện pháp chế tài của Mỹ.

“Chúng tôi đã có tiến triển, bao gồm đảm bảo việc bán dầu thô của Iran, nhưng nhiều khả năng nó không đáp ứng được kỳ vọng của Iran. Đó không chỉ là châu Âu có thể làm được gì, mà còn là bằng cách nào mà Trung Quốc, Nga và Ấn Độ và các nước khác có thể đóng góp,” một quan chức ngoại giao cấp cao của EU được dẫn lời nói.

Các quan chức Iran đã nói rằng điều mấu chốt đối với họ là có các biện pháp để đảm bảo rằng xuất khẩu dầu của họ không bị dừng và rằng Iran vẫn có thể tiếp cận được các khoản thanh toán thông qua ngân hàng quốc tế hay có biện pháp thay thế.

“Chúng tôi đã sẵn sàng cho mọi kịch bản có thể xảy ra… sự sụp đổ thỏa thuận sẽ gia tăng căng thẳng trong khu vực. Để cứu thỏa thuận, các bên ký kết khác phải đền bù cho các lệnh trừng phạt của Mỹ,” một quan chức cấp cao của Iran được Reuters dẫn lời nói.

Trong chuyến công du châu Âu vừa qua, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã cảnh báo rằng Iran sẽ giảm hợp tác với cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc. Họ cũng đã đe dọa Tổng thống Trump rằng sẽ có ‘hậu quả’ nếu Washington áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu mỏ của Iran.

Lực lượng Vệ binh Cộng hòa của Iran cũng cảnh báo rằng họ sẽ phong tỏa con đường vận chuyển dầu qua eo biển Hormuz để đáp trả lại lời kêu gọi của Mỹ cấm mọi hình thức xuất khẩu dầu của Iran.

Về mặt hạt nhân của thỏa thuận, các bên đồng ý thay Mỹ bằng Trung Quốc trong nhóm làm việc để tái thiết kế lại lò phản ứng Arak.

Thỏa thuận nói rõ thiết kế mới sẽ nhằm để hạn chế ở mức tối thiểu việc sản xuất plutonium và ngăn chặn việc sản xuất plutonium ở mức đủ để chế tạo vũ khí. Nó cũng nói rõ loại nhiên liệu được sử dụng cho lò phản ứng Arak và nói rằng nhiên liệu đã được sử dụng cho lò phản ứng này phải được đưa ra khỏi Iran.