Hệ thống giáo dục Mỹ và các học sinh ưu tú

Ủy Ban Khoa học Quốc gia của Hoa Kỳ nói rằng hệ thống giáo dục Mỹ không hỗ trợ đúng mức thành phần ưu tú nhất trong giới trẻ Mỹ

Thưa quý độc giả, Ủy Ban Khoa học Quốc gia là ủy ban cố vấn chính phủ Hoa Kỳ về các vấn đề liên quan tới khoa học và công nghệ. Mới đây ủy ban đã công bố một phúc trình nói rằng các học sinh xuất sắc không được nhận diện và phục vụ đúng mức trong các lớp học. Tạp chí Khoa học và Đời sống tuần này xin được dành để trình bày một số chi tiết về kết luận và các đề nghị của Ủy ban Khoa học Quốc gia Hoa kỳ về đề tài này. Mời quý vị theo dõi.

Trong một bài diễn văn đọc tại Philadelphia nhân dịp mùa khai trường năm nay, Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama kêu gọi các học sinh hãy cố gắng học tập, ngay cả những môn mà các em nghĩ mình không mấy xuất sắc.

Nhà lãnh đạo Mỹ nói: “Không giỏi về một môn nào đó trong lúc này, không có nghĩa là các em không thể trở nên xuất sắc về môn ấy trong tương lai. Dù các em có nghĩ rằng mình không phải là týp thích toán hay khoa học, các em vẫn có thể giỏi các môn ấy, nếu cố gắng. Khi cố gắng như thế, các em có thể khám phá ra những tài năng mà chính các em không hề mơ tưởng đến.”

Những lời phát biểu ấy của Tổng Thống Obama đã được lập lại trong phúc trình của Ủy Ban Khoa học Quốc gia, mang tựa đề: “Chuẩn bị cho Thế Hệ các nhà sáng tạo STEM Kế Tiếp, Nhận diện và Phát triển Nguồn vốn Nhân lực của Đất nước”.

S.T.E.M. là chữ viết tắt của Science-Khoa học, Technology-Công nghệ, Education-Giáo dục, và Mathematics-Toán học. Phúc trình của ủy ban cố vấn chính phủ này có mục đích thăm dò những phương cách khác nhau để cổ võ cho các ngành nghề thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ, kỹ sư và toán học.

Bà Camilla Benbow là Khoa trưởng Trường Sư Phạm tại Đại học Vanderbuilt, và là đồng tác giả của phúc trình mới được công bố. Bà nói rằng phát hiện và nuôi dưỡng các nhà sáng tạo tương lai là điều thiết yếu để duy trì và nâng cao tính cạnh tranh của một quốc gia, trong một nền kinh tế toàn cầu dựa trên ý kiến và sức sáng tạo.

Bà nhận định rằng trong nỗ lực nhằm nâng cao thành tích toán và khoa học của đa số học sinh nói chung, nhóm học sinh ưu tú nhất nước đã bị lơ là, không được tạo cơ hội để phát huy tiềm năng.

Bà Benbow phát biểu: “Các học sinh ưu tú không được nhận diện. Khả năng của họ không được phát triển và chính vì vậy, tiềm năng cũng như sự đóng góp của họ có nguy cơ bị mai một. Đó là lý do vì sao chúng tôi công bố phúc trình này, để lưu ý rằng, chúng ta cũng nên tập trung phát triển các cá nhân xuất sắc, bên cạnh các thành phần khác.”

Bà Benbow bất đồng ý kiến với lập luận phổ biến, theo đó một học sinh hoặc là có năng khiếu, hoặc là không. Bà nói chúng ta có thể khuyến khích tư duy sáng tạo trong một tập thể sinh viên trung bình, tuy nhiên tiến trình này đòi hỏi nhiều cố gắng.

Bà giải thích: “Cố gắng đó gồm thay đổi tư duy, thay đổi thái độ, là điều chúng ta cần thực hiện tại đất nước này, để chúng ta tập trung tìm hiểu xem cần dồn bao nhiêu nỗ lực để có thể phát triển các kỹ năng đến mức cao hơn. Và xã hội nên hỗ trợ tới mức nào để tạo điều kiện cho điều đó xảy ra.”

Theo phúc trình của Ủy ban Khoa học Quốc gia, các học sinh tài hoa nhất nước Mỹ phải đương đầu với một số chướng ngại vật, trong đó có yếu tố may rủi, là được sinh ra trong hoàn cảnh nào. Các tác giả lưu ý về kết quả của một cuộc nghiên cứu toàn quốc, cho thấy là 72% thành phần học sinh đạt nhiều thành tích nhất ở cấp 1, xuất thân từ các gia đình có thu nhập cao.

Bà Benbow giải thích: “Điều đó có nghĩa là trong nhóm 1 phần tư học sinh đứng đầu lớp, chỉ có 28% đến từ các gia đình có mức thu nhập thấp. Đó là một số thống kê đáng kinh ngạc. Thế cho nên ngay trước khi quá trình học vấn khởi sự, Ủy hội Jack Kent Cooke đã ước lượng rằng mỗi năm, chúng ta có thể đánh mất tiềm năng của khoảng 200,000 trẻ em. Tình trạng này, theo tôi, hết sức bất công.”

Bà Benbow nói các trường học phải chịu trách nhiệm về sự tiến bộ của tất cả học sinh. Điều đó không nhất thiết có nghĩa là các trường cần được tài trợ nhiều hơn, mà phải phối hợp tốt hơn những tài nguyên hiện có, và linh động tạo điều kiện cho các học sinh ưu tú có cơ hội tiến nhanh hơn trong lúc đeo đuổi chương trình học theo sức học của các em.

Bà Benbow nhận định tiếp: “Bởi vì nếu không, các em sẽ chán học. Sức học của những đứa trẻ này vượt trội các bạn đồng lứa. Nếu các em không được linh động để theo các môn học cao cấp hơn, không được học hỏi theo tiến độ các em vận hành, thì các em sẽ đánh mất nguồn cảm hứng và sự đam mê của mình.”

Bà Camilla Benbow nói phúc trình của Ủy ban Khoa học Quốc gia đưa ra 3 đề nghị: Thứ nhất, thách thức các học sinh ưu tú với các môn học có trình độ cao hơn, kèm theo các cơ hội học hỏi tiến bộ hơn.

Đề nghị thứ nhì của Hội đồng là các trường học nên nhận diện và nuôi dưỡng học sinh, bất kể giơí tính, sắc tộc, nguồn gốc hoặc điều kiện kinh tế, dựa trên cam kết đối với tính công bằng và đa dạng xã hội.

Đề nghị thứ Ba, Ủy ban Khoa học Quốc gia kêu gọi các trường học nên cổ vũ một môi trường thuận lợi cho học tập, và tưởng thưởng lối tư duy sáng tạo.

Bà Benbow nói muốn biến các đề nghị của Ủy ban Khoa học thành hiện thực, cần rất nhiều công khó và quyết tâm chính trị, và nhận thức rằng tương lai của đất nước phụ thuộc vào đó.

Đó là điều mà Tổng Thống Obama nhấn mạnh trong bài diễn văn đọc trước đám đông học sinh ở Philadelphia.

Ông nói: “Càng học lên cao chừng nào, các em càng tiến xa trên đường đời từng ấy. Vào một thời điểm khi mà các quốc gia khác đang cạnh tranh với chúng ta hơn bao giờ hết, khi mà học sinh trên khắp thế giới, ở Bắc Kinh, Trung Quốc hay ở Bangalore, Ấn độ, đang chăm chỉ học tập hơn bao giờ hết, và đạt nhiều thành tích hơn bao giờ hết, sự thành công của các em tại nhà trường không những chỉ quyết định sự thành công của cá nhân các em, mà còn quyết định sự thành công của Hoa Kỳ trong thế kỷ 21.”