Muốn bảo vệ cá mập, đừng ăn súp vây cá

Bà Claudia Li (trái) sáng lập viên và Chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận Shark Truth

Thưa quí vị, hồi năm 2008, Đại Hội Đồng Liên hiệp quốc ra nghị quyết chọn ngày 8 tháng Sáu hàng năm là Ngày Đại Dương Thế giới, được tổ chức chính thức từ năm 2009, sau một quá trình vận động dài từ khi nhà sinh vật học tiếng tăm David Suzuki giới thiệu khái niệm về Ngày Đại Dương Thế Giới tại Hội Nghị Thượng Đỉnh về Biến đối Khí hậu Địa Cầu tổ chức tại Rio de Janeiro năm 1992.

Một trong những người hưởng ứng lời kêu gọi của Tiến sĩ David Suzuki là bà Claudia Li. Xuất thân từ Hong Kong, bà nảy ra ý kiến muốn bảo vệ loài cá mập sau khi được xem một cuốn phim về loài sinh vật mà bà cho là rất quan trọng cho hệ sinh thái và đang gặp nguy cơ bị tuyệt chủng vì một món ăn rất được ưa chuộng tại Á Châu, đó là súp vây cá, một món không thể thiếu trong các tiệc cưới của người Á Đông trên khắp thế giới. Bà Li thành lập một tổ chức phi lợi nhuận mang tên Shark Truth trong nỗ lực nhằm bảo vệ loài cá mập. Bà giải thích:

“Có tất cả 450 loại cá mập khác nhau, chỉ có một vài loại được xếp loại là hung hăng, nguy hiểm, nhưng một số lớn cá mập không ăn thịt hoặc cá, mà chỉ ăn những sinh vật nhỏ hoặc vi sinh vật nổi trôi ngoài biển.

Cá mập cần một thời gian lâu đến 25 năm, mới trưởng thành và đến thời kỳ sinh sản, đó là một thời gian rất dài so với các sinh vật khác, và thường chúng chỉ có 2 hoặc 3 con thôi, cho nên loài người chúng ta giết cá mập nhanh hơn là chúng có thể sinh con. Và chính vì vậy mà tại một số nơi, nhiều loài cá mập đã bị đẩy vào tình trạng gần như tuyệt chủng. Điều đó có nghĩa là trong vòng 10, 20 năm nữa, nếu chúng ta tiếp tục đà tiêu thụ, và cho phép người ta đánh bắt cá mập để lấy vây, thì có nguy cơ chúng sẽ không còn nữa.”

Có lẽ trên trái đất, ít có loài sinh vật nào bị mang tiếng xấu nhiều hơn là cá mập. Những tin tức thổi phồng về những vụ cá mập tấn công người đi bơi hoặc trượt sóng đã khiến cá mập hầu như đứng đầu trong danh sách các sinh vật gây sợ hãi nhất.

Được hỏi cá mập là một loài ăn mồi sống, đôi khi giết hại cả người, thế thì tại sao chúng ta lại phải bảo vệ chúng, bà Li trả lời:

“Chúng ta cần có sự hiện diện của cá mập bởi vì chúng kiểm soát và cân bằng hệ thống sinh thái, ở đây là đại dương. Hơn nữa mặc dù cá mập trông bề ngoài có vẻ dữ dằn, nhiều người cho là chúng rất nguy hiểm, nhưng trên thực tế, chúng không đến nỗi quá nguy hiểm so với những loài vật khác, như hổ hoặc voi, vốn hàng năm giết nhiều người hơn cá mập. Trung bình, mỗi năm trên khắp thế giới, chưa tới 4 người bị cá mập giết. Năm 2007, chỉ có một người bị thiệt mạng vì bị cá mập tấn công.”

Bà Li nói cho dù cá mập có nguy hiểm đi chăng nữa, thì loài người cũng không có quyền tiêu diệt chúng:

“Loài cọp cũng nguy hiểm, ngay cả một số giống chó cũng nguy hiểm, nhưng chúng ta đâu có giết sạch chúng đâu, bởi vì chúng ta cần có một sự cân bằng trên Trái đất này.”

Tuy nhiên, có một sinh vật khác, có lẽ đáng sợ hơn cả cá mập: đó là loài người.

Gần 100 triệu con cá mập bị người giết hàng năm do nhu cầu vây cá để chế biến súp vây cá. Cá mập đã hiện diện trên quả đất trước loài người hàng triệu năm. Nhưng chỉ trong vòng một thời gian tương đối ngắn, loài người và công nghệ do loài người phát triển đã đẩy cá mập đến bên bờ tuyệt chủng.

Một trong các nguyên do chủ yếu là truyền thống Á đông, và biểu tượng của món súp vây cá trong các tiệc cưới. Bà Li nói trong lĩnh vực ẩm thực của người Quảng Đông, có 4 món được coi là sơn hào hải vị, gồm bào ngư, hải sâm, bóng cá và vây cá. Bà Li nói:

“Trong 4 món sơn hào hải vị ấy, súp vây cá là món quan trọng nhất đặc biệt trong các tiệc cưới, bởi vì theo truyền thống, gia đình đàng trai thường trang trải chi phí tiệc tùng, và từ thời xa xưa người ta cho rằng nếu một cô gái đi lấy chồng mà không có súp vây cá trên mâm tiệc, thì điều đó có nghĩa là gia đình nhà chồng nghèo, không xứng đáng. Giờ đây thì chúng ta biết điều đó không đúng, nhưng bởi vì khái niệm ấy đã ăn sâu trong nền văn hóa của chúng ta, thành thử người ta vẫn cho nó là quan trọng. Thế cho nên súp vây cá đã trở thành một biểu tượng của vị thế xã hội, hoặc nó nói lên lòng tôn trọng đối với một khách mời. Khi được mời dự một bữa tiệc long trọng, người ta trông đợi phải có súp vây cá, không có món này họ có thể cảm thấy như thể bị “mất mặt”, không được tôn trọng đúng mức.”

Bà Li cho biết chính bà cũng đã từng ăn súp vây cá nhiều lần, lúc chưa hiểu được tác động của việc này. Đến khi biết được bà nhận ra rằng bà cần phải làm một điều gì đó để nâng cao tầm nhận thức về chuyện này và khuyến khích giới tiêu thụ ngưng ăn súp vi cá:

“Điều quan trọng nên hiểu là khi chúng ta ăn một bát súp vi cá, nó có một tác động rất tiêu cực đối với thế giới, có nguy cơ giết hại vô số sinh vật chỉ vì bát súp này, chỉ vì chúng ta muốn chứng tỏ cho người khác thấy vị thế của mình trong xã hội, cho họ thấy rằng chúng ta cũng sung túc giàu có như ai... Tôi tin đó là điều không đáng vì nguy cơ chúng ta có thể giết hại nhiều sinh vật chỉ vì một chén súp.”

Được hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu như loài cá mập bị tuyệt chủng? Bà Li trả lời:

“Đã có một số ví dụ tại một số khu vực, khi cá mập bị tiêu diệt, hệ sinh thái của khu vực ấy hoàn toàn mất cân đối. Tuy tôi không thể đoan quyết là nếu chúng ta giết hết cá mập, thì điều gì chắc chắn sẽ xảy ra. Nhưng sẽ có những hậu quả khôn lường. Các đại dương hiện đã gặp nguy cơ vì nạn đánh bắt cá bừa bãi quá độ rồi. Giết chết một loài thường ăn mồi sống như cá mập, tiêu diệt sự hiện diện của chúng trong môi trường đại dương, thì có khác nào như chặt đầu một sinh vật”.

Bà Claudia Li kết luận:

“Các đại dương cung cấp dưỡng khí cho chúng ta. Điều quan trọng ta nên tự hỏi là có đáng để chúng ta làm rối loạn hệ sinh thái của đại dương và lối sống của chúng ta trên quả địa cầu, chỉ vì súp vi cá hay không. Cá nhân tôi cho rằng thật không đáng chút nào!”