Sợ dân

Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội, ngày 7/8/2011

1. Trước hết là sợ dân Sài Gòn.

Theo dõi các cuộc biểu tình chống Trung Quốc vào mỗi sáng Chủ nhật ở Việt Nam trong mấy tháng vừa qua, chúng ta thấy có hai biến chuyển rất đáng chú ý.

Trước hết, ít nhất cho đến Thứ Năm 18 tháng 8, càng ngày chính quyền càng có vẻ nhân nhượng hơn. Nhân nhượng bằng hai cách: một, thừa nhận các cuộc biểu tình ấy là xuất phát từ lòng yêu nước; và hai, tuyên bố họ không có chủ trương trấn áp những người biểu tình. Sự nhân nhượng ấy không phải chỉ thấy trong lời nói (được phát trên truyền hình và in lại trên báo) mà còn cả trong việc làm: cuộc biểu tình tại Hà Nội vào sáng Chủ nhật ngày 7 và 14 tháng 8 đã diễn ra tương đối tốt đẹp. Không còn nữa hình ảnh các công an quằm quặm nhìn người biểu tình như những kẻ tử thù. Không còn nữa hình ảnh công an kẹp cổ hay đạp vào mặt dân. Trên nét mặt của những người đi biểu tình, được đăng tải trên các blog, rõ ràng lộ vẻ hân hoan. Dường như, từ năm 1975 đến nay, chưa bao giờ có cuộc biểu tình tự phát nào của dân chúng mà lại diễn biến một cách suôn sẻ và thoải mái như thế.

Nhưng bên cạnh đó, có một biến chuyển khác, biến chuyển thứ hai mà chúng ta không thể không chú ý: Đó là, tất cả các cuộc biểu tình chống Trung Quốc từ giữa tháng 6 đến nay đều chỉ diễn ra ở Hà Nội. Sự nhân nhượng của công an đối với các cuộc biểu tình chống Trung Quốc cũng chỉ xảy ra ở Hà Nội. Còn ở Sài Gòn thì mọi Chủ nhật đều im ắng. Không có gì cả. Không có xuống đường. Không có hò hét đả đảo Trung Quốc. Không. Mặt trận miền... Nam vẫn yên tĩnh.

Tại sao?

Tại dân chúng miền Nam, đặc biệt dân chúng Sài Gòn, không yêu nước hay không công phẫn trước những thách thức ngang ngược và trắng trợn của Trung Quốc? Tại mọi người đều thờ ơ hay khiếp sợ?

Chắc chắn là không phải. Nhớ, trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc đầu tiên vào sáng Chủ nhật 5 tháng 6, dân chúng tụ tập ở Sài Gòn đông hơn hẳn ở Hà Nội. Với sự tham gia của các tên tuổi như Nguyễn Đình Đầu, Lê Hiếu Đằng, Đinh Kim Phúc, Đỗ Trung Quân, Huỳnh Tấn Mẫm, cuộc biểu tình tại Sài Gòn hôm ấy đã, thứ nhất, thu hút rất nhiều người tham dự; và thứ hai, cũng thu hút rất nhiều sự chú ý của dư luận không những tại Việt Nam mà còn cả trên thế giới. Báo chí khắp nơi, khi tường thuật cuộc biểu tình, đã tập trung hầu hết sự quan tâm vào Sài Gòn. Cuộc biểu tình ở Hà Nội chỉ như một cái bóng mờ khiến ngay nhiều người ở Hà Nội cũng đâm chua xót tự hỏi: Chẳng lẽ người Hà Nội lại dửng dưng trước vận mệnh của đất nước đến vậy sao?

Thế nhưng đến các Chủ nhật sau đó thì tình hình khác hẳn. Trong khi ở Hà Nội nhiều người vẫn tiếp tục xuống đường biểu tình thì ở Sài Gòn không khí lại im ắng hẳn.

Điều gì dẫn đến sự thay đổi đột ngột như vậy?

Câu trả lời dễ dàng: Khủng bố.

Ở Hà Nội, hầu hết những tên tuổi lớn thường tham gia biểu tình, nói chung, vẫn vô sự. Kể cũng có chút khó dễ nhưng, nói chung, với mức độ vừa phải. Công an muốn cầm chân giáo sư Nguyễn Huệ Chi cũng như tiến sĩ Nguyễn Quang A (1) và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên (2) ở nhà để họ không tham dự biểu tình được, nhưng cuối cùng, họ vẫn đến. Chỉ có quấy nhiễu nhưng rõ ràng chưa đến mức khủng bố. Ở Sài Gòn, ngược lại, các biện pháp cầm chân được tiến hành một cách chặt chẽ và quyết liệt đến độ người ta không thể ra khỏi nhà được. Đi cửa trước: công an chận. Đi cửa sau: công an chận. Có người còn bị công an mời đến cơ quan làm việc từ tối hôm trước. Công an gọi thì phải tới. Tới thì chỉ cà phê, thuốc lá và nói chuyện tào lao. Nhưng về thì lại không được. Cứ bị cầm chân mãi ở cơ quan đến tận trưa Chủ nhật hôm sau, lúc mọi dự định biểu tình đã chấm dứt thì lại được tự do về nhà.

Hỏi: Tại sao các anh giữ tôi từ hôm qua đến nay?

Trả lời: Chúng tôi đâu có giữ anh đâu! Ở đây là cơ quan, nơi anh đang làm việc chứ có phải là đồn công an đâu? Sau anh lại nói là “giữ”?

Ừ, thì không giữ, không giam. Nhưng cũng không có tự do về nhà. Chứ đừng nói gì đến tham gia biểu tình.

Cứ thế, từ người này đến người khác; từ tên tuổi lớn đến tên tuổi nhỏ. Không có ai ra đường được. Thanh niên lảng vảng đến gần khu tập trung biểu tình thì bị xua đuổi. Ngồi quán cà phê cũng không được. Gọi điện thoại di động cũng không được: sóng bị phá. Mọi nỗ lực tổ chức biểu tình sau đó đều bị vỡ từ trong trứng nước.

Nhưng vấn đề là: Tại sao công an nhân nhượng với dân Hà Nội mà lại không nhân nhượng với dân Sài Gòn? Tại sao cũng là biểu tình chống Trung Quốc uy hiếp và xâm lược mà ở Hà Nội thì được xem là yêu nước, còn ở Sài Gòn thì không?

Xin nói thêm: Chính nhiều người trong nước cũng ngạc nhiên về điều ấy. Ví dụ, trong bài “Mấy dòng nhật ký biểu tình", giáo sư Nguyễn Huệ Chi viết:

"Đúng là những cuộc biểu tình này là một đốm lửa, đốm lửa đó ngày xưa gọi là phong hỏa đài, cháy lên như một con mắt không ngủ để canh cho toàn dân yên tâm làm việc kiếm ăn sinh sống, và cứ nhìn vào tín hiệu đốm lửa đó thì người dân hoặc có thể quên đi mọi nỗi băn khăn nhức nhối của mình, hoặc biết rằng đã đến lúc phải vùng dậy xả thân cứu nước rồi. Cái giá trị của đốm lửa là ở đấy. Nhưng ai sẽ là người tiếp dầu cho lửa không tắt? Và biết đâu có những kẻ nào đó đang chờ cơ hội để dập tắt ngọn lửa khi mọi người không đề phòng. Biết đâu đấy. Hãy cứ nhìn vào thực trạng ở Sài Gòn, nơi vốn có truyền thống biểu tình sôi sục dưới thời Việt Nam Cộng hòa, vậy mà vì sao giờ đây lại... im re đến thế? Trong đó với ngoài này lòng yêu nước nào có gì khác nhau."

Trong bài "Thư Sài Gòn", nhà thơ Đỗ Trung Quân cũng viết, tương tự:

'Sài Gòn im ắng dần. Vì sao? Có nhiều lý do khác nhau mà cá nhân mình không thể trả lời thay.

Tôi biết những lời trách móc thậm chí dè bỉu từ Hà Nội, nơi những cuộc tuần hành ngày càng có qui củ, chính kiến rất rõ rệt với kẻ thù và được chính quyền cũng phần nào nhẹ tay sau những đàn áp tệ hại vừa qua.

Tôi cũng chỉ cười buồn. Hà Nội có câu nói ra miệng của Tướng Nhanh, còn Sài Gòn, khác lắm. Nó không có câu nói nào tương tự. Nó, dường như chỉ làm được một điều nhỏ nhoi duy nhất: Nhóm lên đốm lửa ban đầu. Thế thôi."

Cùng một nỗi băn khoăn và một nỗi ngậm ngùi, nhưng cả Nguyễn Huệ Chi lẫn Đỗ Trung Quân đều không trả lời tại sao có sự phân biệt trong thái độ và trong chính sách của nhà cầm quyền đối với người dân Sài Gòn.

Bạn có biết tại sao không?

2. Sau đó là sợ dân chúng nói chung

Phần 1 ở trên được viết xong vào Chủ Nhật tuần trước (14/8). Bây giờ (19/8), đọc lại, đã thấy lỗi thời. Ngày 18/8, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ra thông báo cấm tất cả “mọi hoạt động tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát” chống Trung Quốc trên địa bàn thành phố. Lý do được nêu lên là chúng "gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, đến hình ảnh thủ đô - Thành phố Vì hòa bình; tiềm ẩn các yếu tố gây mất ổn định chính trị; tác động tiêu cực tới việc thực hiện đường lối, quan hệ ngoại giao của Đảng, Nhà nước".

Quyết định cấm biểu tình của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chứa đựng nhiều vấn đề có thể phân tích và phê phán. Những ngày sắp tới chắc chắn sẽ có nhiều người, trong cũng như ngoài Việt Nam, sẽ làm điều ấy. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là: đằng sau quyết định ấy lại vẫn là những nỗi sợ. Sợ mất lòng Trung Quốc. Và, có lẽ, quan trọng hơn, là sợ dân.

Việc dân chúng xuống đường, cho dù để chống Trung Quốc, dưới mắt nhà cầm quyền, vẫn “tiềm ẩn các yếu tố gây mất ổn định chính trị”.

Sợ “mất ổn định chính trị” là gì, hẳn ai cũng biết.

***

Chú thích:

1. Xem bài “Công an đang quấy rầy tôi” của Nguyễn Quang A

2. Xem bài “Người mọc đuôi” của Phạm Xuân Nguyên

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.