Một tướng lãnh Nam Triều Tiên bị bắt vì tiết lộ tin mật về chiến sự

Nam Triều Tiên cho hay một trong các tướng lãnh của nước này đang bị câu lưu. Theo tin báo chí thì vụ bắt giữ này nằm trong khuôn khổ một cuộc điều tra gián điệp rộng lớn khiến một số giới chức nghĩ là Bắc Triều Tiên có thể đã có được một phần nào những tin tức liên quan đến một kế hoạch chiến trường quan trọng của Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên. Từ Seoul, Thông tín viên Steve Herman của đài VOA gửi về bài tường trình sau đây.

Bộ quốc phòng Nam Triều Tiên tiết lộ rất ít về vụ này mặc dù bộ xác nhận là một tướng lãnh 2 sao đã bị câu lưu vì các cáo buộc vi phạm luật bảo vệ bí mật quân sự.

Theo các bản tin đã được đăng tải ở Nam Triều Tiên, vị trung tướng này đang bị thẩm vấn về việc liệu ông có tiết lộ cho một người bạn hữu thông tin mật, trong đó có một số yếu tố liên quan đến “Kế hoạch hành quân 5027”. Văn kiện được duyệt lại hàng năm này chứa đựng các chi tiết liên quan đến kế hoạch phòng thủ chung của Hoa Kỳ và Nam triều Tiên trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh nữa với Bắc Triều Tiên.

Vị tướng bị câu lưu, chỉ được cho biết là họ Kim, bị cáo buộc tiết lộ chi tiết của kế hoạch vừa kể từ năm 2005 đến năm 2007 cho một cựu giới chức tình báo Nam Triều Tiên. Giới chức này, được nhận diện là Park Chae-seo, vừa bị bắt giữ và bị cáo buộc đã bán các thông tin bí mật cho Bình Nhưỡng.

Ông Denny Roy, một chuyên gia an ninh thuộc Trung tâm Đông Tây tại Hawaii. Ông nói rằng vụ câu lưu một tướng lãnh Nam Triều Tiên vì những cáo buộc như vậy chưa từng xảy ra trước đây. Nhưng theo ông, Seoul và Washington không nên lo ngại về chuyện quân đội miền Nam sẽ bị thiệt hại.

Ông Roy nói: “Đương nhiên quân đội Nam triều Tiên có trách nhiệm phải mở một cuộc điều tra nghiêm túc. Tuy thế chuyện hiếm khi xảy ra như thế này ắt hẳn chứng tỏ rằng, nói chung, quân đội Nam Triều Tiên rất chuyên nghiệp và tận tâm đối với công tác thi hành sứ mạng được chính phủ giao phó.”

Ông Roy giải thích rằng tuy kế hoạch chiến trường này là một văn kiện mà Bắc Triều Tiên rất muốn có, nhưng các hậu quả của việc Bình Nhưỡng thủ đắc được một số thành phần trong kế hoạch có thể rất hạn chế.

Ông Roy nói thêm: “Sự khác biệt và các khả năng của hai miền Nam Bắc Triều Tiên rất lớn. Theo tôi Bắc Triều Tiên ở trong tư thế phòng thủ, rất thiếu tự tin, và thậm chí là nghi kỵ quá đáng. Cho nên tôi nghĩ rằng cho dù có dành cho họ ưu thế tạm thời như thế này thì điều đó cũng chẳng có ảnh hưởng lâu dài hay sâu xa nào đối với an ninh của Nam Triều Tiên.”

Hai nước Triều Tiên trên nguyên tắc vẫn ở trong tình trạng chiến tranh tiếp theo cuộc hưu chiến năm 1954 đình chỉ cuộc xung đột công khai kéo dài 3 năm.