Bạo động tôn giáo trên đà gia tăng ở Indonesia

  • Kate Lamb

Binh sĩ Indonesia canh gác bên ngoài một nhà thờ sau một vụ tấn công của đám đông những người Hồi giáo quá khích

Indonesia lâu nay vẫn được nhiều người ca ngợi về sự khoan dung tôn giáo và được nêu lên như một bằng chứng cho thấy Hồi giáo và dân chủ có thể đi đôi với nhau. Tuy nhiên hình ảnh đó đang bị lu mờ bởi những hành vi bạo động nhắm vào các cộng đồng tôn giáo thiểu số. Theo tường thuật do thông tín viên Kate Lamb của đài VOA ở Jakarta, những vụ bạo động này đang đưa Indonesia vào một cond nguy hiểm.

Tại một nhà thể dục ở thành phố Madura ở Đông Java được dùng làm nơi tạm trú cho những người Hồi giáo Shia trong hai tháng nay. Bà Umi Hami 31 tuổi, có 4 người con còn nhỏ, là một trong những người đã phải rời bỏ nhà cửa để đến đây lánh nạn sau khi một đám đông chừng 500 người Hồi giáo Sunni tấn công ngôi làng của bà. Họ đã nổi lửa đốt cháy nhà cửa và giết chết hai người theo Hồi giáo Shia.

Bà Umi nói rằng đám đông muốn đốt nhà và giết chết những người trong làng của bà.

Vụ đó xảy ra vào tháng 8. Bà Umi cùng với khoảng 200 người Hồi giáo Shia khác giờ đây vẫn phải tiếp tục ở lại nhà thể dục của thành phố. Họ không dám trở về nhà để quay lại với công việc làm ăn của mình và để cho con cái tới trường.

Để giảm bớt những mối căng thẳng ở Madura, chính quyền đề nghị di dời toàn bộ cộng đồng người Hồi giáo Shia.

Nhưng đối với những người Hồi giáo Ahmadiyah ở Indonesia, một nhóm Hồi giáo thiểu số, đó không phải là một giải pháp thỏa đáng.

Cũng bị bách hại vì tín ngưỡng của mình, một số người Ahmadiyah trên đảo Lombok đã phải sinh sống trong hơn mười năm nay như những người tị nạn tại các căn nhà của chính phủ.

Ông Fathan Harun, phát ngôn viên của bộ tư pháp, cho biết chính phủ đang tìm cách áp dụng một phương pháp khác để giải tỏa những mối căng thẳng tôn giáo hiện nay.

Ông Fathan nói rằng chính quyền đang áp dụng những biện pháp khác vì cộng đồng Shia ở Madura bác bỏ kế hoạch di dời. Ông cho biết chính quyền đang tìm cách giáo dục dân chúng về vấn đề bất khoan dung tôn giáo và làm cho dân chúng hiểu rằng kỳ thị người Shia và những người thuộc các tín ngưỡng thiểu số là một việc không đúng.

Khoan dung tôn giáo được ghi rõ trong hiến pháp Indonesia, nhưng điều này không được nhiều người ủng hộ. Quốc gia đông người Hồi giáo nhất thế giới này hiện có khoảng 3 triệu người Hồi giáo Shia.

Hồi đầu tuần này, một tổ chức nghiên cứu có tên là Survey Circle ở Indonesia công bố bản phúc trình cho thấy 61% những người Indonesia có trình độ học vấn thấp nói rằng họ không cảm thấy thoải mái khi sống bên cạnh những người Hồi giáo Shia. Khoảng 63% cho biết họ cảm thấy như vậy đối với người Hồi giáo Ahmadiyah.

Tuy nhiên, không phải chỉ có những tín đồ của các giáo phái Hồi giáo thiểu số mới bị kỳ thị.

Bathc một phán quyết của Tối cao Pháp viện, một hội thánh Tin Lành ở thành phố Bogor, trên đảo Java, đã phải làm lễ trên hè phố từ nhiều năm nay sau khi chính quyền địa phương đóng cửa nhà thờ của họ.

Chỉ riêng trong tuần vừa qua, 9 nhà thờ và 6 ngôi chùa đã bị đóng cửa ở tỉnh Aceh, nơi đang áp dụng luật Sharia của đạo Hồi.

Từ khi Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono lên nhậm chức tới nay có gần 80 nhà thờ trên cả nước bị đóng cửa, gấp mưới lần so với thời cựu lãnh tụ độc tài Suharto.

Ông Andreas Harsono của tổ chức Human Rights Watch nói rằng sự hiềm khích vì tín ngưỡng rõ ràng là đang trên đà gia tăng và nhà nước đang góp phần tạo ra tình trạng này. Khi được hỏi Indonesia còn có thể tự xưng là một nước đa nguyên và khoan dung hay không, ông Harsono trả lời như sau.

Ông Andreas nói: "Không. Hoàn toàn không. Bởi vì đã có ít nhất 3 hiện tượng như thế này. Một là chính phủ và cảnh sát đang góp phần tạo ra tình trạng này. Họ chủ động hoặc thụ động để cho sự bất khoan dung tôn giáo gia tăng và chúng tôi có rất nhiều bằng chứng, ở Madura, chống lại các nhà thờ Cơ đốc giáo và chống lại người Hồi giáo Ahmadiyah. Hiện tượng thứ nhì là ngày càng có nhiều khung pháp luật chống lại những nhóm thiểu số."

Ông Harsono nêu ra luật chống báng bổ tôn giáo, sắc lệnh chống Ahmadiyah và hơn 100 luật lệ cấp khu vực có tính chất kỳ thị làm thí dụ của việc nhà nước xâm phạm quyền của các nhóm thiểu số. Ông cũng nói rằng các định chế chính phủ có những hành động kỳ thị không hề bị khiển trách.

Ông Harsono cho biết: "Những định chế này bao gồm bộ tôn giáo sự vụ, Hội đồng giáo sĩ Hồi giáo Indonesia … Ngoài ra còn có diễn đàn hòa hợp tôn giáo, một cơ quan trên thực tế đã có thái độ kỳ thị đối với những nhóm thiểu số trong việc thành lập những nơi thờ phượng."

Với một liên minh cầm quyền bao gồm những đảng phái thuộc phe Hồi giáo, Tổng thống Yudhoyono đã ngần gại trong việc trấn áp những hành vi bạo động và kỳ thị tôn giáo.

Ông Harsono e rằng nếu tình hình không được cải thiện, Indonesia có thể rơi vào con đường của Pakistan và Afghanistan, là nơi mà những hành vi bạo động vì lý do tôn giáo đang xảy ra hầu như mỗi ngày.

Đối với bà Umi, người đang tị nạn ở thành phố Madura, chính phủ và người dân Indonesia cần phải thay đổi thái độ bởi vì bà sẽ không bao giờ vì sợ hãi mà bỏ đạo của mình để theo đạo khác.