Sudan hành động ngăn việc sử dụng lính trẻ em

Ảnh tư liệu binh sĩ chính phủ Nam Sudan tại thị trấn Koch, tiểu bang Unity, Nam Sudan.

Chính phủ của Tổng thống Sudan Omar al-Bashir cho biết họ chưa bao giờ sử dụng trẻ em trong xung đột vũ trang. Song Bộ trưởng Thông tin Ahmed Bilal nói một số phiến quân chống chính phủ đã sử dụng lính trẻ em.

Thông tin này được đưa ra sau khi Sudan và Liên Hiệp Quốc hôm 27/3 ký kết Kế hoạch hành động bảo vệ trẻ khỏi bị xâm hại trong xung đột vũ trang. Ông Bilal nói sai lầm duy nhất của Sudan là đã không ký kết kế hoạch hành động này sớm hơn.

Ông nói chính phủ của ông có bằng chứng cho thấy một số phiến quân đã sử dụng binh lính trẻ em. "Khoảng 7, 8 năm trước, chúng tôi đã bắt giữ khoảng 83 trẻ em. Chúng tôi đã không đưa chúng ra tòa vì chúng chưa đủ tuổi, và phiến quân vẫn đang sử dụng trẻ em", ông Bilal nói.

Trong quá khứ, Liên Hiệp Quốc đã cáo buộc cả phiến quân lẫn chính phủ tuyển dụng lính trẻ em.

Vài năm trước đây, nhóm phiến loạn có tên Phong trào Công lý và Bình đẳng đã ký một thỏa thuận cho phép Liên Hiệp Quốc đến thăm các căn cứ của họ để xác minh họ không có binh lính trẻ em.

Hôm 27/3, văn phòng của Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký về Trẻ em và Xung đột vũ trang ra thông cáo nói việc Sudan ký kết Kế hoạch hành động có nghĩa là tất cả 7 nước có lực lượng an ninh quốc gia mà Tổng thư ký từng liệt vào danh sách tuyển dụng và sử dụng trẻ em nay đều đã cam kết với mục tiêu "Trẻ em, không phải là lính" – là một chiến dịch toàn cầu nhằm chấm dứt và ngăn chặn việc các chính phủ tuyển dụng và sử dụng trẻ em trong các xung đột.

Trong khi đó, 28/3 là thời hạn cuối cùng mà Tiểu ban Thực thi Cấp cao của Liên minh Châu Phi đặt ra cho các nhóm đối lập ở Sudan, kể cả Phong trào Công lý và Bình đẳng và Đảng Umma Quốc gia, để ký kết một lộ trình nhằm chấm dứt các cuộc chiến tranh ở Blue Nile, Darfur, và Nam Kordofan.

Các nhóm đối lập đã không ký vì họ nói rằng lộ trình đó mang lại tính chính danh cho cuộc đối thoại đang diễn ra, mà họ cho là hoàn toàn bị chính phủ kiểm soát.

Bộ trưởng Thông tin Bilal cho biết mặc dù Khartoum có những sự bảo lưu, nhưng họ vẫn ký kết hiệp định khung này vì Sudan có quyết tâm theo đuổi hòa bình.