Syria nộp đơn xin gia nhập Hiệp ước cấm vũ khí hóa học

  • Margaret Besheer

Tổng thống Syria Bashar al-Assad nói trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Nga RU24 ở Damascus hôm 12/9/13 rằng Syria sẽ gửi hồ sơ đến Liên hiệp quốc để xin gia nhập công ước cấm võ khí hạt nhân

Syria đã tiến bước đầu tiên hướng tới gia nhập một hiệp ước quốc tế cấm sản xuất và sử dụng vũ khí hóa học.

Người phát ngôn của Liên Hiệp Quốc Farhan Haq nói với các nhà báo rằng Liên Hiệp Quốc đã nhận được một tài liệu của chính quyền Syria hôm thứ Năm liên quan tới việc xin gia nhập Công ước cấm Vũ khí hóa học năm 1993. Ông Haq nói:

“Có một tiến trình phải theo để gia nhập hiệp ước cấm Vũ khí hóa học, và đây là một bước hướng tới mục tiêu đó.”

Ông Haq nói rằng Liên Hiệp Quốc đang chuyển ngữ và thẩm định tài liệu này.

Công ước cấm Vũ khí hóa học năm 1993 nghiêm cấm các nước ký kết phát triển, sản xuất, thủ đắc và sử dụng các vũ khí hóa học. Cho tới nay, chỉ còn 7 quốc gia, trong đó có Syria, là chưa thông qua hiệp ước này.

Trong tuần, Syria xác nhận những nghi ngờ từ lâu của quốc tế rằng nước này có sở hữu vũ khí hóa học. Một số tường trình được phổ biến nói rằng chính quyền của Tổng Thống Bashar al-Assad có trong tay hơn 1000 tấn hóa chất sarin, VX và khí mù tạc.

Đại sứ Syria tại Liên Hiệp Quốc, ông Bashar Ja'afari nói với các nhà báo rằng nước ông đã nộp hồ sơ xin gia nhập công ước lên Tổng thư ký Liên hiệp quốc, là cơ quan giám sát công ước cấm vũ khí hóa học. Ông Ja'afari phát biểu:

“Với động thái này, giai đoạn gọi là vũ khí hóa học phải chấm dứt. Về mặt pháp lý, Syria từ ngày hôm nay, đã trở thành một thành viên đầy đủ của công ước cấm vũ khí hóa học.”

Tuy nhiên, các chuyên gia nói đây chỉ là một bước đầu. Gia nhập hiệp ước sẽ buộc chính quyền Syria phải nhanh chóng khai báo các kho vũ khí hóa học có trong tay, và các cơ sở sản xuất các loại vũ khí này. Sau đó, cơ chế thi hành quyền hạn của công ước, là Tổ chức đặc trách Cấm Vũ khí hóa học, sẽ kiểm chứng những lời khai qua các cuộc thanh sát tại hiện trường.

Cuối cùng, điều khoản 19 của hiệp ước nói rằng Công ước Cấm Vũ khí hóa học sẽ được thông qua bởi chính quyền các nước thành viên, dựa trên các tiến trình hiến pháp của mỗi nước.