Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý 1 chậm lại do xuất khẩu sụt giảm

Một cửa hàng bán đồ may mặc xuất khẩu của Việt Nam ở Hà Nội. Xuất khẩu sụt giảm do lạm phát cao và nhu cầu giảm sút khiến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý 1 chậm lại.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã chậm lại trong quý đầu tiên của năm nay do xuất khẩu sụt giảm vì nhu cầu của người dùng giảm sút, theo số liệu mới được Tổng cục Thống kê (GSO) đưa ra hôm 29/3.

Tăng trưởng GDP của quốc gia Đông Nam Á chỉ ở mức 3,32% trong ba tháng đầu năm, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 5,92% trong quý 4 của năm ngoái. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý 1 năm 2023 của GSO còn cho biết mức tăng trưởng này gần như ngang bằng với tốc độ tăng trưởng của quý I năm 2020, thời điểm mà đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở Việt Nam và trên toàn thế giới.

Trước đó hồi đầu năm, Ngân hàng HSBC dự báo rằng Việt Nam sẽ là quốc gia có triển vọng tăng trưởng GDP cao nhất ở Đông Nam Á với mức kỳ vọng 5% trong quý 1/2023.

Trong một thông cáo báo chí đưa ra cùng ngày 29/3, GSO cho biết mức tăng trưởng chậm của Việt Nam trong ba tháng đầu năm “diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn”.

“Lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao”, GSO cho biết, viện dẫn sự phục hồi chậm và suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam cho lý do mức sụt giảm về GDP của quý đầu năm nay.

Dữ liệu của GSO cho thấy tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ba tháng đầu năm giảm 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái, ước đạt 154,27 tỷ USD, trong đó xuất khẩu giảm 11,9% và nhập khẩu giảm 14,7%.

Việt Nam, một trung tâm sản xuất của khu vực, ghi nhận sự sụt giảm mạnh trong xuất khẩu điện thoại thông minh và thiết bị điện tử. Theo thống kê của GSO, các lô hàng điện thoại thông minh giảm 15% và các lô hàng điện tử giảm 10,9% trong 3 tháng đầu năm.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong tháng này cho biết sẽ cắt giảm một số lãi suất điều hành để tăng tính thanh khoản và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong một động thái bất ngờ khiến Việt Nam khác biệt với các nước trong khu vực giữa bối cảnh bất ổn tài chính toàn cầu.

Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội cuối năm ngoái nói rằng hơn 630.000 người bị mất việc làm hoặc bị cắt giảm giờ làm ở các nhà máy sản xuất ở Việt Nam.

Trong một báo cáo đưa ra gần đây, Ngân hàng Thế giới (WB) nói rằng các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu và hàng hóa như Việt Nam đặc biệt dễ bị tổn thương do nhu cầu xuất khẩu chậm lại, bao gồm cả từ Trung Quốc. WB dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 sẽ ở mức 6,3%, giảm từ mức hơn 8% năm 2022.