Tea Party - Phong trào chính trị mới nổi tại Hoa Kỳ

Mấy hồi gần đây truyền thông tại Hoa Kỳ có nhắc đến một phong trào được biết dưới tên gọi là Tea Party, trùng với tên của một biến cố trong lịch sử thời thuộc địa tại Bắc Mỹ khi di dân người Anh khai thác thuộc địa đổ trà từ một con tàu đậu tại cảng Boston xuống biển, phản đối chính sách của mẫu quốc buộc họ đóng thuế mà lại không có đại diện tại Nghị viện Anh để bênh vực quyền lợi cho họ. Câu Chuyện Nước Mỹ tuần này phỏng vấn giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, giảng dạy môn chính trị học và bang giao quốc tế tại đại học George Mason, về phong trào chính trị mới xuất hiện vài năm gần đây và đã gây khá nhiều tiếng vang trong dư luận Hoa Kỳ. Mời quí vị theo dõi bài phỏng vấn do Lan Phương thực hiện sau đây.

VOA: Thưa giáo sư, trong hoàn cảnh nào và từ lúc nào, phong trào có tên là Tea Party đã xuất hiện tại Hoa Kỳ?

Giáo sư
Nguyễn Mạnh Hùng: Phong trào Tea Party cũ, gọi là Boston Tea Party, xuất hiện năm 1773 để chống lại việc chính phủ Hoàng gia Anh tăng thuế trà nhập cảng vào Mỹ, người dân không thích, khi tầu cập bến Boston, dân nhảy lên tầu đổ trà xuống biển. Vì vậy, Tea Party biểu hiện cho phong trào tự phát của người dân chống thuế "taxing without representation" là đóng thuế mà không được quyền đại diện. Hồi đó người Mỹ còn là dân thuộc địa của Anh nên không có quyền bỏ phiếu, không có quyền cử người vào Nghị viện nước Anh. Chuyện phát xuất từ đấy. Tea Party bây giờ là mới, được gợi hứng từ phong trào Boston Tea Party, để chống chính quyền họ cho là không vừa lòng dân, chính quyền lớn quá mà lại xâm phạm quyền tự do của dân.

VOA: Phong trào ủng hộ và cổ súy cho những gì và mục đích của nó là gì, thưa giáo sư?

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Nó khởi sự có thể nói là từ năm 2008, trong cuộc tranh cử, có một ông ứng cử viên tên là Ron Paul, ông này là người bảo thủ về tài chính, không muốn ngân quĩ tăng, cho nên dùng ngày vận động người ủng hộ đóng tiền gây quĩ cho ông ấy, nên ông gọi là Tea Party, thành chữ đó. Về sau này, chính quyền Bush biểu quyết cho chuyện bail out mấy nhà băng (dùng tiền thuế của dân đóng để cứu nguy những ngân hàng gặp nguy cơ sụp đổ), thì họ chống đối. Rồi tới thời ông Obama, đưa ra gói kích cầu để cưú nguy kinh tế, họ cũng chống, thành thử phong trào đó chống nhiều thứ lắm. Về phương diện tích cực, trên nguyên tắc, nó chống để có một chính quyền giới hạn, muốn có tự do cá nhân, muốn có kinh tế thị trường, chống lạm phát. Còn nói về chống thì phong trào này chống nhiều thứ, chống tăng thuế, chống chính quyền mạnh, phong trào cho là chính quyền kiểm soát nhiều quá là điều không tốt, chống bail out, chống gói kích cầu, và nó chống Obama, có một số người cho là ông Obama có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa.

VOA: Phong trào qui tụ những thành phần nào trong xã hội Mỹ?

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Trong những cuộc khảo sát, người ta thấy là người da trắng nhiều lắm, chiếm đến 80%, chỉ có 2% là da đen thôi. Nói chung phong trào đó đại diện cho khoảng 18 đến 20% người Mỹ, phần lớn là đàn ông, da trắng, thuộc Đảng Cộng Hòa, đã có vợ, thường là quá 45 tuổi. Về thành phần xã hội, phần lớn những người này có lợi tức hơn mức trung bình và có bằng đại học.

VOA: Cho tới nay thì phong trào có thể được coi là một lực lượng chính trị mạnh với lập trường cương lĩnh vững chắc và hợp nhất hay không? Nó có phải là 1 chính đảng thứ 3 hay không, thưa giáo sư?

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Hiện nay có thể nói, nó chưa phải là một chính đảng, nhưng là một lực lượng chính trị khá mạnh, và có nhiều phong trào. Có những người chẳng hạn như ông Dick Armey, ông ấy đưa ra phong trào Tea Party Patriots và những người khác tổ chức các cuộc biểu tình chống chính phủ. Cho nên nó chưa phải là một chính đảng rõ rệt, nhưng trong cuộc tuyển cử tới, nó có thể trở thành một chính đảng thứ 3. Hiện nay thì lập trường như tôi nói chỉ có thế thôi, nhưng chưa có cương lĩnh vững chắc bởi vì nó chưa phải là chính đảng, có lẽ nó chưa đưa đến một cương lĩnh như các Đảng Cộng Hòa hay Đảng Dân Chủ như ngày xưa.

VOA:
Được coi là một phong trào tự phát của dân muốn kiểm soát chính phủ, vậy nó có được hậu thuẫn của chính trị gia đặc biệt nào hay không?

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Có, họ được sự ủng hộ, thứ nhất là của nhiều người thuộc đảng Cộng hòa, nếu không ủng hộ thì cũng không chống, thí dụ như ông McCain. Còn những người ủng hộ họ rõ rệt thì phát khởi từ ông Ron Paul, rồi bà Sarah Palin, rồi cựu dân biểu Colorado là ông Tancredo, rồi thống đốc bang Texas, là một thành viên đảng Cộng hòa Rick Perry, và ngay cả ông cựu Chủ tịch Hạ viện là Newt Gingrich cũng ủng hộ họ. Đó là những khuôn mặt lớn trong đảng Cộng hòa có khuynh hướng bảo thủ.

VOA: Thưa, vậy đổi lại, phong trào này có ủng hộ chính trị gia nào hay không?

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Hiện nay rõ ràng họ ủng hộ ông Ron Paul, bà Sarah Palin, rõ ràng nó có thể ủng hộ những người như ông Huckabee chẳng hạn.

VOA: Thưa, phong trào đã có những hoạt động ra sao để cổ võ cho những gì họ tranh đấu, thưa giáo sư?

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Thì hiện nay họ tổ chức những cuộc biểu tình, biểu dương lực lượng nói lên sự bất mãn. Tóm lại, họ chống chính quyền Washington DC. Trong đó có thể nói có một số người chống ông Obama. Nhiều người trong phong trào tin rằng ông ấy không sinh ra ở Mỹ và là người có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy vậy những người thủ lãnh phong trào cũng nói là họ không muốn có những người cứ đặt vấn đề về giấy khai sinh của ông Obama. Nhưng rõ ràng cũng có những người như thế trong phong trào.

VOA:
Thế còn các nghiệp đoàn tại Mỹ, đó là các tổ chức có sức nặng đáng kể trong chính trường Hoa Kỳ, thì họ có thái độ ra sao đối với phong trào này?

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Các nghiệp đoàn ở Mỹ thì dĩ nhiên họ theo đảng Dân Chủ, họ có khuynh hướng tự do hơn, nên họ chống phong trào này. Họ đổ tội cho phong trào này là do tư bản cỡ gộc tài trợ. Họ khuyến khích nên tổ chức những cuộc biểu tình ôn hòa để chống lại phong trào quá khích này.

VOA: Theo ý kiến của giáo sư, đây có phải là một phong trào quá khích hay không?

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Thật sự mà nói thì cũng một số người quá khích nhưng không phải tất cả mọi người trong phong trào này đều quá khích. Bởi vì như ông Obama nói, trong số đông của trong phong trào, có một số nòng cốt có những lý do chính đáng để họ phàn nàn, thứ nhất là họ muốn kinh tế thị trường, thứ hai, họ không muốn chính quyền can thiệp quá nhiều vào đời sống của dân chúng. Thứ ba là họ muốn chống lạm phát, thì đây là những lý do rất chính đáng. Nhưng còn những thành phần cực kỳ bảo thủ hay có thể gọi là quá khích hay những người cứ nói là ông Obama không ra đời tại Mỹ, ông Obama đi vào con đường xã hội chủ nghĩa, v..v.. những thành phần quá khích này cũng có khá nhiều.

VOA: Tổng thống Obama tỏ thái độ ra sao đối với phong trào này?

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Dĩ nhiên là Tổng thống, ông Obama rất khôn. Ông nói rằng phong trào này có một số người nòng cốt, như tôi đã nói, là có lý do chính đáng khi nó chống xã hội chủ nghĩa, chống sự can dự quá nhiều của chính quyền vào đời sống của dân, chống lạm phát, đó là những lý do rất chính đáng. Ông Obama nói đây cũng chính là những gì mà ông muốn, thành thử ông hy vọng là ông sẽ được phong trào này ủng hộ sau khi họ hiểu chính sách của ông nhiều hơn.

VOA:
Theo giáo sư thì phong trào này có ảnh hưởng gì đến kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới trong năm nay hay không?

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi nghĩ là họ sẽ có ảnh hưởng lớn đấy. Thứ nhất, những người trong phong trào họ hăng hái lắm. Họ hoạt động tích cực. Đây là những người sẽ đi bỏ phiếu. Trong khi nhiều người Mỹ không đi bỏ phiếu. Thành thử những người chịu đi bỏ phiếu, dù họ có là thiểu số hay không, họ vẫn có ảnh hưởng. Còn theo thống kê cho biết, số người Mỹ ủng hộ phong trào này cũng khá nhiều, khoảng 1/3. Còn số người chống họ thì khoảng 26%, số người ủng hộ nhiều hơn số người chống.

Còn qua các cuộc thăm dò dư luận, người ta lấy thí dụ, nếu có một ứng cử viên của đảng Tea Party thì ứng cử viên đảng Dân chủ sẽ được nhiều phiếu nhất, thứ nhì là đến Tea Party và thứ ba mới đến đảng Cộng hòa. Còn trong số những cử tri độc lập thì đa số họ ủng hộ cho phong trào Tea Party. Như ta biết, những người độc lập có ảnh hưởng rất nhiều trong cuộc tuyển cử năm 2006, thành thử họ cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều trong cuộc tuyển cử sắp tới.