Thái Lan: Mẹ thanh niên biểu tình ‘sẵn sàng đánh đổi mạng sống cho con”

Bà Sureerat Chiwarak, mẹ của lãnh đạo sinh viên biểu tình Parit 'Penguin' Chiwarak tham gia biểu tình đòi phóng thích con bà sau khi Parit nhập viện vì tuyệt thực 46 ngày ở Bangkok, Thái Lan ngày 1/5/2021. (Reuters)

Đầu cạo trọc như một hành vi phản kháng và để ủng hộ con trai, một lãnh đạo sinh viên biểu tình đòi dân chủ bị tống giam về tội phỉ báng nhà vua Thái Lan đầy quyền thế, bà Sureerat Chiwarak ngồi trước tòa với thái độ bình thản mà cương quyết.

Đây là thời khắc mà nhà tư vấn doanh thương 51 tuổi chưa bao giờ tưởng tượng có thể xảy ra, nhưng bà thực sự mong muốn làm một điều gì đó khi con trai bà, lãnh đạo sinh viên biểu tình Parit “Penguin” Chirawak, 22 tuổi, phải nhập viện sau khi tuyệt thực gần 8 tuần.

“Con tôi đang chết mòn mà tôi không làm gì được cả. Cảm giác đó thật là kinh hoàng. Những người nắm quyền hành trong tay đang để mặc cho con tôi chết,” bà Surreat nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn.

“Cạo đầu chỉ là một khởi đầu. Nó không có nghĩa lý gì khi mà tôi sẵn sàng đánh đổi mạng sống cho con tôi.”

Nhà cầm quyền Thái Lan đang bỏ tù các lãnh đạo thanh niên biểu tình và về phần lớn đã chận đứng được chiến dịch đòi cải cách của họ. Bà Sureerat đã thiết lập một liên minh lạ thường với các bà mẹ khác tranh đấu đòi tự do cho con cái họ, những phụ nữ mà trước đây không hề quan tâm tới chính trị.

Một nhóm gốc gồm 5 bà mẹ, từ chủ doanh nghiệp tới nông dân, gắn kết với nhau khi gặp gỡ tại tòa án hay đi thăm con trong tù.

Trọng tâm của chiến dịch của họ là đòi trả tự do cho con cái, chứ không phải cho mục tiêu tranh đấu của con cái họ.

Tuy vậy đối với một số các bà mẹ, các nỗ lực của họ dần dà đan xen với một số vấn đề đã đẩy giới trẻ Thái Lan vào tình cảnh này.

Gần đây các bà mẹ đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình thầm lặng, cùng đứng bên nhau trong 1 giờ 12 phút – tượng trưng cho Điều 112 của Bộ Luật Hình sự Thái Lan về tội phỉ báng hoàng gia – bên cạnh hình ảnh của con cái họ in trên giấy cạc tông, đồng thời giơ 3 ngón tay lên chào một cách thách thức để đòi con cái họ được tại ngoại hầu tra.

Các nhà hoạt động Somyot Pruksakasemsuk, trái, Parit Chiwarak, và Arnon Nampha giơ 3 ngón tay chào, biểu tượng của phong trào phản kháng, trước tòa hình sự ở Bangkok, Thái Lan, ngày 9/2/2021. (AP)


6 lãnh đạo biểu tình trẻ, trong đó có Parit, vẫn bị giam trong tù. Tòa án nhiều lần bác đơn xin tại ngoại, viện lý do là tính cách nghiêm trọng của các tội danh gán cho các thanh niên này, kể cả tội phỉ báng nhà vua.

Hồi năm ngoái, những người biểu tình phá vỡ truyền thống lâu đời của Thái Lan khi kêu gọi cải cách nền quân chủ, điều chưa từng xảy ra tại một đất nước nơi mà nhà vua được đưa lên ngai vàng ‘để được tôn thờ’ theo hiến pháp, và chỉ trích ông là một tội hình sự có thể bị phạt tới 15 năm tù.

Những người biểu tình còn đòi một hiến pháp mới, và đòi Thủ Tướng Prayuth Chan-ocha, từng là lãnh đạo tập đoàn quân nhân thực hiện cuộc đảo chánh, phải từ chức.

Chiến dịch đàn áp lãnh đạo biểu tình của chính quyền Thái Lan đã chận đứng được chiến dịch đó của giới trẻ, nhưng nó đang trở thành mồi lửa hâm nóng cuộc tranh đấu của các bà mẹ.

Bà Sureerat nói bà hối tiếc đã không hỗ trợ Parit trước khi con bà bị bắt giữ, nhưng bây giờ bà nói bà đã bắt đầu tham gia hoạt động, ngay cả gia nhập một đoàn tuần hành trên đoạn đường dài tới 247,5 km, tượng trưng cho năm 2475 trong lịch Phật giáo, tức là năm 1932, năm chấm dứt nền quân chủ chuyên chế tại Thái Lan. Mục tiêu của cuộc tuần hành đường dài này là đòi thả tù nhân chính trị.

Parit bị buộc 20 tội danh về phỉ báng hoàng gia, nhiều tội danh nhất trong nhóm các nhà hoạt động trẻ tuổi. Anh bị bác đơn tại ngoại tới 9 lần. Theo lịch trình, một tòa án sẽ ra phán quyết về đơn xin tại ngoại thứ 10 của Parit vào ngày thứ Ba 11/5.