Thái Lan tìm cách trấn át hữu hiệu hơn các bình luận trên mạng

Nhà lãnh đạo Ủy ban Cải cách Dân chủ của Nhân dân Suthep Thaugsuban (giữa) chào các nhà báo khi rời tòa án ở Bangkok, 26/5/14

Chưa đầy 1 tuần lễ sau khi quân đội tiến hành một cuộc đảo chính, chính phủ Thái Lan loan báo các kế hoạch cho phép quân đội kiểm duyệt mau chóng hơn nội dung trên mạng Internet.

Hai trong số các công ty viễn thông quốc doanh của Thái Lan sẽ giám sát một cổng mới vào Internet dành cho nhà cầm quyền nhiều quyền kiểm soát hơn về việc kiểm duyệt nội dung trên mạng.

Thái Lan vốn đã chận một số nội dung mạng mà giới hữu trách coi là có tính cách xúc phạm, nhưng hệ thống mới còn dành cho nhà chức trách nhiều quyền kiểm soát hơn nữa.

Giám đốc cục phòng chống tội phạm IT của Bộ Thông tin và Kỹ thuật Truyền thông, ông Thanit Prapatanan, nói với đài VOA rằng có phần chắc phải nhiều tháng nữa thì mới hoàn tất kế hoạch về hệ thống kiểm soát mới.

Ông Thanit viện dẫn gương Trung Quốc, nơi ông lập luận rằng việc sàng lọc không có ảnh hưởng đáng kể đối với xã hội, mà chỉ ngăn chặn một số trang web bị coi là nguy hiểm, chứ không phải đóng cửa tất cả các cổng Internet.

Bộ này nói một số biện pháp gắt gao hơn đã được thực thi đối với Internet, cũng như các mạng truyền thông xã hội.

Theo lệnh của tập đoàn quân nhân cầm quyền, 219 trang web đã bị chận vì bị coi là đe dọa đến an ninh quốc gia. Và bộ cho biết sẽ yêu cầu các nhà điều hành những trang web truyền thông xã hội như Facebook, Line và YouTube cấm chỉ các tài khoản sử dụng bị coi là phổ biến nội dung bất hợp pháp theo các sắc lệnh về quân luật.

Facebook rất phổ biến ở Thái Lan đã không truy cập được khoảng 90 phút trong ngày hôm nay ở Thái Lan. Bộ viện dẫn một “lỗi về cổng truy cập” về trục trặc này.

Sự cố này lập tức gây ra nhiều mối quan ngại trên mạng, khiến phát ngôn viên đảo chính là Ðại tá Wintahi Suvaree phải phổ biến một thông cáo 30 giây trên toàn quốc.

Viên đại tá này nói đã có ‘những trục trặc kỹ thuật’ trong việc truy cập Facebook, và “nay đã được điều chỉnh.”

Lời giải thích đó không thuyết phục được một số người sử dụng các phuơng tiện truyền thông xã hội đồn đoán rằng trục trặc này là một thử nghiệm cho việc đóng cửa hoàn toàn, hoặc là một thông điệp để phải tự chế không chỉ trích cuộc đảo chính.

Giáo sư Kevin Hewison, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á tại trường Ðại học Murdoch của Australia nói những người lãnh đạo cuộc đảo chính có thể muốn bắt chước những gì đã làm ở các nước khác như Thổ Nhĩ Kỳ, tỷ như tạm thời gây ngưng hoạt động tin nhắn Twitter và các video YouTube vào tháng 3 năm nay và Ai Cập gần như hoàn toàn cắt đứt với mạng Internet vào tháng 1 năm 2011. Giáo sư Hewison nói:

“Tôi áng chừng quân đội ở Thái Lan đã theo dõi những sự việc loại này và hình như đã mong muốn và hy vọng rằng họ có thể cũng làm như vậy, Một số những sự kiện này xảy ra qua điện thoại, nhưng cũng còn được thực hiện qua mạng truyền thông xã hội như Facebook va Line vân vân.. và theo tôi, họ sẽ tìm cách ngăn chặn điều đó xảy ra.”

Chuyên gia người Úc về chính sự Thái nêu ra rằng sau cuộc đảo chính lần trước vào năm 2006, quân đội đã bị chỉ trích vì không xóa được ảnh hưởng của thủ tướng bị lật đổ Thakisn Shinawatra, một nhà tỷ phú trong ngành viễn thông:

“Và tôi nghĩ quân đội này chắc chắn đã học được từ kinh nghiệm đó. Vì thế tôi không lấy làm lạ rằng chúng ta đang thấy các tin nhắn gay gắt hơn bị lấy đi. Chính quyền quân nhân này có thể sẽ còn nghiêm khắc hơn nhiều. Và đó là lúc đóng cửa toàn bộ Internet, bắt giữ thêm nhiều người, vân vân.. là điều hoàn toàn có thể xảy ra nếu họ không có đưọc sự hợp tác mà họ đòi hỏi và trật tự mà họ đang đòi có.”

Bộ thông tin và kỹ thuật truyền thông cũng đã loan báo hai cơ quan đã được thành lập để điều hành nghiêm khắc hơn mạng Internet và nội dung truyền thông xã hội. Cơ quan thứ nhất do cảnh sát điều hành, sẽ kiểm tra nội dung và ngăn chặn việc phổ biến bất cứ tin nhắn nào bị cho là vi phạm các sắc lệnh về kiểm duyết do quân đội ban hành.

Cơ quan thứ hai, theo bộ này, sẽ có các đại diện của quân đội hợp tác với cảnh sát để điều tra và bắt giữ những người phổ biến mọi thông tin bị cho là bất hợp pháp.

Vì những luật lệ gắt gao hiện hữu chống lại việc chỉ trích hoàng gia Thái Lan, ngay cả trước khi xảy ra cuộc đảo chính hôm thứ năm tuần trước, vương quốc này đã bị xếp hạng là “tự do một phần” bởi tổ chức theo dõi nhân quyền độc lập Freedom House.

Các cơ quan in ấn và truyền thông phát thanh truyền hình của Thái Lan đang bị đặt dưới những hạn chế với binh sĩ hiện diện ngay bên trong một số đài truyền hình. Một số ký giả đã bị quân đội triệu tập để thẩm vấn hay bắt giữ.

2 ký giả đã nêu câu hỏi cho người cầm đầu cuộc đảo chính, tướng Prayuth Chan-ocha, tại cuộc họp báo duy nhất của ông hôm thứ hai đã bị nêu đích danh về tội chỉ trích. Bộ trưởng quốc phòng Thiếu tướng Ponlapat Wannapak được trích thuật nói rằng các ký giả phải “hoan nghênh” tham mưu trưởng quân đội, hiện còn là nhà lãnh đạo duy nhất của chính quyền quốc gia.

Cuộc đảo chính tuần trước diễn ra sau nhiền năm xáo trộn chính trị và những cuộc biểu tình có tổ chức trong mấy tháng vừa qua. Các cuộc tụ tập liên tục nhất đòi bãi chức chính quyền của bà Yingluck Shinawatra, em của ông Thaksin, nguười đã lên làm thủ tướng sau cuộc bầu cử năm 2011.

Bà Yingluck nằm trong số 253 người bị các nhà lãnh đạo đảo chính triệu tập. Quân đội nói 124 người, kể cả bà Yingluck, đã được phóng thích và 53 người đã được yêu cầu ra trình diện nay bị coi là đối tượng truy nã.

Hình ảnh đảo chính ở Thái Lan

Đảo chính quân sự ở Thái Lan