Vụ nổ súng vào nhà lập pháp đối lập Thái bị nghi do động cơ chính trị

Vụ nổ súng nhắm vào một thành viên của đảng đối lập Puea Thái diễn ra ngay sau khi Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva (hình trên) giải tán hạ viện trước cuộc tổng tuyển cử ngày 3 tháng 7

Những kẻ mang súng ở thủ đô Thái Lan đã gây thương tích cho một nhà lập pháp đối lập trong một vụ nổ súng từ trên xe đang chạy mà các nhà lãnh đạo đối lập nói là do động cơ chính trị. Vụ tấn công xảy ra vào lúc Thái Lan đang chuẩn bị cho các cuộc bầu cử xít xao vào đầu tháng 7. Từ Bangkok, thông tín viên VOA Ron Corben gửi về bài tường thuật sau đây.

Nhà lập pháp đối lập Thái Lan Pracha Prasobdee đang đi trên xe của ông ở ngoại vi thủ đô Bangkok, khi những kẻ mang súng đi xe máy nổ súng và gây thương tích cho ông. Tin cho hay các thương tích này không nguy hiểm đến tính mạng.

Vụ nổ súng vào một thành viên của đảng đối lập Puea Thái diễn ra ngay sau khi Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva giải tán hạ viện trước cuộc tổng tuyển cử ngày 3 tháng 7.

Người chị em gái của ông Pracha và cũng là nhà lập pháp đồng viện Naruemol Thandamrang nói với các cơ quan truyền thông địa phương rằng bà tin rằng vụ tấn công có liên hệ đến chính trị.

Trong cuộc bầu cử ngày 3 tháng 7 tới đây, cử tri sẽ bầu ra 375 đại biểu quốc hội và 125 đại biểu khác sẽ được các chính đảng trong nước bầu ra trong một cuộc bỏ phiếu dự trù sẽ rất sôi nổi.

Đảng Puea Thai được sự hậu thuẫn của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người đã bị lật đổ năm 2006 trong một cuộc đảo chính của quân đội. Sau đó, ông Thaksin đã bị buộc tội tham nhũng và bị kết án 2 năm tù. Ông Thaksin chạy trốn ra khỏi nước trước khi phán quyết được tuyên bố nhưng ông vẫn còn được nhiều người ủng hộ.

Một nhà bình luận và tác giả về chính sự Thái Lan, ông Chris Baker nói rằng bạo động chính trị có phần chắc sẽ gia tăng trước cuộc bầu cử và theo đúng chiều hướng bạo động bầu cử thường gia tăng trong những cuộc bầu cử trước đây. Ông Baker cho rằng bạo động đã đạt những mức cao trong các cuộc bầu cử vừa qua.

Ông Baker nói: “Tình trạng bạo động thực sự đạt cao điểm dưới thời ông Thaksin là lúc các cuộc bầu cử trở nên rất quan trọng và mọi người bắt đầu giết nhau. Tôi cho rằng mọi sự sẽ không khác đi mấy. Ta sẽ chứng kiến rất nhiều hành vi bạo lực.”

Đảng Puea Thai cũng được sự hậu thuẫn của đảng Mặt trận Đoàn kết Tranh đấu cho Dân chủ, còn gọi là phe Aùo Đỏ, đã cầm đầu các cuộc biểu tình ngoài đường phố vào năm 2009 và 2010 trong cố gắng đẩy chính phủ đương quyền của ông Abhisit ra khỏi quyền lực. Họ cáo buộc chính phủ là thiếu tính hợp pháp bởi vì chính phủ được quân đội hậu thuẫn. Chính phủ bác bỏ lời cáo buộc này.

Các vụ đụng độ hồi tháng 4 và tháng 5 năm ngoái giữa người biểu tình và lực lượng an ninh đã khiến hơn 90 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

Ông Baker cho rằng còn quá sớm để thấy được xem những đảng lớn nào sẽ có khả năng thắng với thế đa số tuyệt đối.

Ông Baker nói tiếp: “Thực ra không có đủ thông tin ngay lúc này để đưa ra bất cứ một tiên đoán nào về kết quả bầu cử. Cho dù chúng ta có bắt đầu có được các số liệu về thăm dò tốt hơn chúng ta cũng phải khá hoài nghi bởi vì cuộc bầu cử ở đó không chuyên nghiệp mấy và mọi người thường nói dối các giới chức bầu cử. Tôi nghĩ sẽ rất khó mà đo lường kết quả có thể có từ nay cho đến lúc đó.”

Các giới chức ủy ban bầu cử đã yêu cầu cảnh sát tăng cường bảo vệ các chính trị gia trong thời gian trước khi diễn ra tiến trình đăng ký ứng cử viên cho cuộc bầu cử ngày 3 tháng 7. Theo dự trù, cuộc đăng ký ứng cử viên sẽ diễn ra vào ngày 19 tháng này.