Thay đổi đại sứ có thể làm rạn nứt quan hệ Mỹ-Úc, Mỹ-TQ

Tổng thổng Trump và Đô đốc Harris ở Hawaii, tháng 11/2017

Đô đốc Harry Harris có thể trở thành đại sứ Mỹ ở Hàn Quốc. Ông hiện là tư lệnh lực lượng quân sự Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Nếu việc đề cử này diễn ra, nó cho thấy chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang tập trung mọi nỗ lực và sự chú ý vào bán đảo Triều Tiên trước các cuộc hội đàm quan trọng.

Nhưng trước đây, ông Harris được xem là người chắc chắn sẽ trở thành đại sứ tiếp theo của Mỹ ở Úc. Sự thay đổi về đề cử dẫn đến nguy cơ làm cho Trung Quốc bực tức và gây tổn hại đến quan hệ với đồng minh lâu năm giữa Washington và Canberra.

Euan Graham, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Viện Lowy Sydney, nói: "Điều này tạo cớ cho những người thuộc phe chống Mỹ hoặc thân Trung Quốc (ở Úc) có thể chỉ tay về phía Washington và nói rằng đó là một đồng minh không đáng tin cậy".

Ông Harris là một tư lệnh hải quân có nhiều thành tích lớn. Việc ông được đề cử làm đại sứ ở Úc được xem như một dấu hiệu về sự vững mạnh của mối quan hệ Mỹ-Úc. Tuy nhiên, chỉ vài giờ trước khi diễn ra buổi điều trần để phê chuẩn chức vụ này, đã có quyết định hoãn sang đầu tháng 5.

Tòa Bạch Ốc chưa xác nhận về sự thay đổi việc bổ nhiệm, nhưng Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cho biết ông đã được báo về quyết định hồi đầu tuần này.

"Tôi thất vọng về việc ông Harry sẽ không đến, vì ông ấy là một người bạn thực sự tốt, và tôi nghĩ ông Harry cũng sẽ thất vọng về việc ông ấy không đến Canberra, vì ông ấy yêu nước Úc", ông Turnbull nói với Sky News, một hãng có liên kết với CNN.

Quyết định được đưa ra chỉ vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, và trước cuộc hội đàm có thể diễn ra giữa ông Kim và Tổng thống Mỹ Trump vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.

Việc bổ nhiệm Đô đốc Harris chứng minh tầm quan trọng của bán đảo Triều Tiên đối với chính quyền ông Trump, theo các nhà phân tích, cũng như cho thấy Seoul đang rất mong Mỹ sớm cử đại sứ đến Hàn Quốc.

Sự lựa chọn một nhân vật quân sự cao cấp nổi tiếng và có quan hệ chặt chẽ với chính phủ Mỹ sẽ được hoan nghênh ở Seoul. Mỹ đã không có đại sứ ở đó trong hơn một năm.

Người lâu nay được đồn đại là ứng cử viên cho vị trí này, Victor Cha, đã không còn được cân nhắc hồi tháng 1 sau khi ông công khai lên tiếng lo ngại về một "đòn tấn công tóe máu mũi" có thể có đối với Triều Tiên.

Tại một phiên điều trần ở Thượng viện hồi tháng Ba, ông Harris nói Triều Tiên là "mối đe dọa an ninh khẩn cấp nhất" đối với Hoa Kỳ ở khu vực châu Á.

Vị đô đốc nói bất kỳ hành động quân sự nào của Hoa Kỳ đối với Triều Tiên sẽ không nhanh chóng hoặc dễ dàng. "(Nhưng) chúng tôi sẵn sàng làm toàn bộ điều đó nếu Tổng thống yêu cầu", ông nói vào thời điểm đó.

Mặc dù ông Harris có quan điểm quân sự diều hâu, các nhà phân tích cho rằng Bình Nhưỡng có lẽ sẽ không đặc biệt quan ngại hoặc bị sốc về việc bổ nhiệm ông tới Seoul.

Ông Harris đã từng nói trong một buổi điều trần với Ủy ban Quân vụ Thượng viện rằng ông không "quá lạc quan" về kết quả của một cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Kim.

(CNN, TIME)