Thủ tướng TQ thăm VN là ‘vừa đấm vừa xoa’ sau khi bị lên án về hành hung ngư dân?

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần thứ 19 tại Viêng Chăn, Lào, ngày 11/10/2024.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đến thăm Việt Nam cuối tuần này trong bối cảnh Bắc Kinh đang nỗ lực vừa xoa dịu vừa gây áp lực với Hà Nội sau khi Việt Nam lên tiếng gay gắt về hành động bạo lực của Trung Quốc đối ngư dân giữa những căng thẳng ở Biển Đông, theo nhận định của giới quan sát.

Chuyến thăm Hà Nội của ông Lý từ ngày 12 đến 14/10 được cho là dịp để cho ông cơ hội để hàn gắn mối quan hệ sau sự việc Bộ Ngoại giao Việt Nam tố cáo lực lượng hải cảnh Trung Quốc “tấn công”, “đánh đập” nhóm ngư dân Việt Nam và lấy đi thiết bị đánh bắt của họ khi các ngư dân này hành nghề vào cuối tháng trước ở quần đảo Hoàng Sa trong vòng tranh chấp.

‘Vừa đấm vừa xoa’

Từ khi Hà Nội lên tiếng hôm 2/10 về vụ ngư dân bị phía Trung Quốc tấn công đến nay, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa đưa ra phản ứng chính thức.

Tuy nhiên, trang Global Times, cơ quan ngôn luận quốc tế của chính quyền Trung Quốc hôm 5/10 đăng bài phóng sự nói rằng các hình ảnh và thông tin mà tờ báo này có được cho thấy rằng nhà chức trách Trung Quốc “chặn, bắt, kiểm tra và trục xuất một tàu Việt Nam xâm nhập trái phép vùng biển gần quần đảo Tây Sa của Trung Quốc ngày 29/9; công việc được tiến hành một cách có kiềm chế và hoàn toàn phù hợp với pháp luật”. Tây Sa là tên gọi của chính quyền Trung Quốc về quần đảo Hoàng Sa.

Hôm 2/10, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói trong một tuyên bố rằng lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đã “đánh đập” ngư dân Việt Nam và “lấy đi thiết bị đánh cá của họ khi tàu của họ hoạt động ở vùng quần đảo Hoàng Sa”.

Đồng thanh cùng Việt Nam, các quốc gia khác như Philippines, Hoa Kỳ, Liên hiệp châu Âu (EU) cũng lên tiếng phản đối cách hành xử của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam.

“Trung Quốc và Việt Nam có khả năng giải quyết thỏa đáng xung đột thực thi pháp luật ở Biển Đông”, tờ Global Times viết, nói thêm rằng ý định “bêu xấu” Trung Quốc của Philippines sẽ “không có tác dụng”.

Tờ báo của nhà nước Trung Quốc còn nhấn mạnh rằng đây chỉ là “xung đột không thường xuyên” giữa chính quyền Trung Quốc và ngư dân Việt Nam trong quá trình thực thi pháp luật và đã được “giải quyết” thông qua kênh ngoại giao.

“Từ trước tới nay, Trung Quốc luôn có thái độ vừa đánh vừa xoa với Việt Nam. Mỗi khi Việt Nam tỏ thái độ cứng rắn thì họ lại buông và tỏ ra nhũn nhặn và hành xử theo một cách khác”, ông Lê Anh Hùng, người theo dõi các hoạt động chính trị, đối ngoại của Việt Nam, nêu ý kiến cá nhân của ông với VOA hôm 11/10.

“Chuyến thăm này của Thủ tướng Lý Cường tới Việt Nam chỉ diễn ra sau vài ngày mà cả Mỹ, châu Âu đã lên án hành động thô bạo của Trung Quốc trên Biển Đông – thẳng tay đánh đập các ngư dân trên vùng biển Hoàng Sa”.

Tương tự, nhà quan sát Nguyễn Hoàng Hải ở Bỉ, đưa ra ý kiến:

“Một hiện tượng vừa đấm vừa xoa: hôm trước Trung Quốc ‘đấm’ dân chài Việt Nam khiến Việt Nam lên tiếng công khai dõng dạc, được quốc tế chú ý và ủng hộ, nay Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường có lẽ sang Hà Nội làm hòa, ‘nước láng giềng, núi liền núi, sông liền sông’ cùng chế độ toàn trị của đảng cộng sản, cốt để Việt Nam đừng la toáng lên nữa, có gì thì ‘hàng xóm láng giềng’ bảo nhau”.

Your browser doesn’t support HTML5

Việt Nam phản đối hải cảnh Trung Quốc tấn công, làm ngư dân bị thương

Tập trung vào kinh tế, thương mại

Sau khi tham dự hội nghị cấp cao ASEAN tại Lào, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường sẽ tới Hà Nội vào ngày 12/10 để thăm chính thức theo lời mời của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính. Tại Hà Nội, ông dự kiến sẽ gặp các lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam và các cuộc thảo luận dự kiến sẽ tập trung vào hợp tác kinh tế thương mại.

Chuyến thăm của ông Lý, bao gồm các cuộc gặp với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, được truyền thông Việt Nam mô tả sẽ là “những cuộc thảo luận sâu về những biện pháp nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả nhận thức chung đạt được giữa lãnh đạo cấp cao nhất của hai nước, củng cố hơn nữa tin cậy chính trị”.

Đây là chuyến đi đầu tiên của Thủ tướng Lý tới Việt Nam kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 3 năm ngoái.

“Chuyến thăm này có lẽ là sẽ cụ thể hóa những cam kết mà Việt Nam đã ký với Trung Quốc trong chuyến thăm hồi năm ngoái của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam”, ông Hùng dự báo.

Hôm 11/10, theo nguồn tin của Reuters, Việt Nam và Trung Quốc dự kiến sẽ ký các hiệp định mới, trong đó có các thỏa thuận thúc đẩy liên kết đường sắt và mua bán nông sản trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tới Hà Nội.

Tuyến đường chính này hiện dựa trên đường tàu nối Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, miền nam Trung Quốc, với thủ đô Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng của Việt Nam. Ngoài tuyến đường sắt Côn Minh-Hải Phòng này, hai nước đang có kế hoạch nâng cấp một tuyến đường sắt khác từ tỉnh Quảng Tây đến Hà Nội, và một tuyến đường mới khả dĩ nối thành phố Thâm Quyến ở tỉnh Quảng Đông đến Hải Phòng, theo Reuters.

Liên kết đường sắt thông suốt là dấu hiệu của sự tin tưởng ngày càng tăng giữa hai nước và sẽ là cú hích cho giao thương và chuỗi cung ứng, khi ngày càng có nhiều hãng xưởng Trung Quốc chuyển một số hoạt động sản xuất cho xuất khẩu sang Việt Nam trong bối cảnh có căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Ông Lý trước đây từng giữ các chức vụ quan trọng ở một số khu vực phát triển của Trung Quốc như Giang Tô, Thượng Hải, đồng thời có nhiều kinh nghiệm về phát triển kinh tế nên có thể chia sẻ những kinh nghiệm này với các đối tác Việt Nam, từ đó thúc đẩy hơn nữa hợp tác toàn diện giữa hai bên trong lĩnh vực kinh tế và thương mại, trang Vietnam News dẫn lời Tiến sĩ Cheng Hanping, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam, thuộc Đại học Công nghệ Chiết Giang,Trung Quốc, cho biết hôm 11/10.

Ngăn Việt Nam quá gần với Mỹ, phương tây?

Giới quan sát cho rằng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của ông Tô Lâm, người đảm nhận chức tổng bí thư vào tháng 8, có vẻ dường như sẽ đưa đất nước gần đến Mỹ và phương Tây hơn là với Trung Quốc, và điều này có thể khiến Bắc Kinh phải dè chừng và muốn kéo Hà Nội gần về phía họ. Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Lý cũng nhằm mục đích đó.

“Trong bối cảnh gần đây Việt Nam có những động thái ngoại giao quan trọng của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Tô Lâm sang Mỹ và một số quốc gia phương Tây khác đã khiến Trung Quốc có thái độ và cách đối xử đối với Việt Nam”, ông Lê Anh Hùng nhận định, cho rằng Thủ tướng Lý sang Việt Nam cũng nhằm tăng cường sự ảnh hưởng và cả sự răn đe của Bắc Kinh đối với Hà Nội.

Sau khi thực hiện chuyến công du đến Mỹ vào cuối tháng 9, ông Tô Lâm đến Ireland và sau đó đến Pháp vào đầu tuần này để ký kết nâng cấp quan hệ Việt Nam-Pháp lên tầm Đối tác Chiến lược Toàn diện. Trước đó, ông Tô Lâm cũng đã thăm Trung Quốc, khẳng định Việt Nam “luôn coi trọng và ưu tiên hàng đầu” quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

Cũng với góc nhìn đó, nhà phân tích Nguyễn Khắc Giang thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore nói với kênh Channel News Asia (CNA) hôm 11/10 rằng chuyến thăm Việt Nam của ông Lý có ý “nghĩa quan trọng” khi hai đảng cộng sản tăng cường quan hệ mật thiết với nhau.

Ông Giang cũng phân tích rằng việc Hà Nội chính thức lên tiếng công khai trước quốc tế về vụ Trung Quốc đánh ngư dân vừa qua là một điều đáng lưu ý. “Tôi nghĩ đây có thể là một tín hiệu quan trọng cho thấy dưới sự lãnh đạo của ông Tô Lâm, Việt Nam có thể sẵn sàng hơn trong việc đối đầu với Trung Quốc”, ông Giang nói.

XEM THÊM: Biển Đông dậy sóng, Trung Quốc đổ lỗi cho ‘các thế lực bên ngoài’

Vấn đề Biển Đông

Sau các cuộc gặp của lãnh đạo cấp cao Việt-Trung trước đây, thông cáo chung đều cho thấy họ thảo luận về vấn đề Biển Đông, do đó, nhiều khả năng chủ đề này cũng nằm trong nghị trình làm việc khi Thủ tướng Lý thăm Hà Nội lần này.

Trước chuyến thăm, ông đã nói về Biển Đông khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các quốc gia Đông Nam Á ASEAN+3 lần thứ 27 do Lào đăng cai tổ chức.

Tại hội nghị này hôm 10/10, Thủ tướng Lý đã đưa ra lời phát biểu được báo chí mô tả là có phần thách thức, khi ấy cũng có sự tham dự của các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ông Lý mô tả Biển Đông là “ngôi nhà chung” và rằng Trung Quốc có nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền của mình, hãng tin AP đưa tin, dẫn lời một quan chức ASEAN từ chối nêu tên do tính nhạy cảm của cuộc thảo luận.

Theo văn bản chính thức bằng tiếng Hoa, trong phần sau của bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh, ông Lý đã đổ lỗi cho “các thế lực bên ngoài” (ám chỉ Hoa Kỳ) đã gây ra căng thẳng giữa các quốc gia tranh chấp lãnh hải.

Ông Lý nói: “Cần phải lưu ý rằng sự phát triển của chúng ta vẫn phải đối mặt với những yếu tố bất ổn và bất định. Đặc biệt, các thế lực bên ngoài thường xuyên can thiệp, gây rối, thậm chí còn tìm cách đưa sự đối đầu giữa các khối và xung đột địa chính trị vào châu Á”.

Hôm 11/10, Hoa Kỳ lên tiếng: “Chúng tôi vẫn lo ngại về các hành động ngày càng nguy hiểm và bất hợp pháp của Trung Quốc trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, gây thương tích cho người dân, gây hại cho tàu thuyền của các quốc gia ASEAN và đi ngược lại các cam kết giải quyết tranh chấp một cách hòa bình”, ông Antony Blinken, Ngoại trưởng Hoa Kỳ phát biểu với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á trong khuôn khổ Hội nghị ASEAN-Mỹ lần thứ 12 tại Lào hôm 11/10, hãng tin AFP đưa tin.

Ông Blinken nói thêm rằng Washington “sẽ tiếp tục ủng hộ tự do hàng hải và tự do hàng không ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.