Thái Lan lo ngại về tình trạng bạo lực ở Myanmar

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Tanee Sangrat.

Thái Lan lo ngại về tình trạng bạo lực ở nhiều vùng của Myanmar và muốn chứng kiến việc thực hiện các bước đi mà lãnh đạo Đông Nam Á đã đạt được với chính quyền quân nhân để giúp chấm dứt tình trạng hỗn loạn kể từ khi xảy ra cuộc đảo chính ngày 1/2, Bộ Ngoại giao Thai Lan cho biết hôm 6/6.

Chính quyền Myanmar cho thấy có ít dấu hiệu cân nhắc "sự đồng thuận" năm điểm mà các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đạt được hồi tháng Tư, theo đó kêu gọi chấm dứt bạo lực, tiến hành các cuộc đàm phán chính trị và chỉ định một đặc phái viên khu vực.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Tanee Sangrat nói trong một thông cáo: “Chúng tôi đang theo dõi sát sao các diễn biến ở Myanmar với nhiều lo ngại, đặc biệt là các vụ bạo lực xảy ra ở nhiều nơi tại nước này”.

Ông nhắc lại lời kêu gọi chấm dứt bạo lực, trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ và "thực hiện cụ thể Sự đồng thuận Năm điểm" sớm nhất có thể.

Chính quyền quân nhân đã thất bại trong việc kiểm soát Myanmar kể từ khi chiếm quyền từ lãnh đạo dân cử Aug San Suu Kyi, một trong hơn 4.500 người bị giam giữ kể từ cuộc đảo chính. Một nhóm nhân quyền cho biết ít nhất 847 người đã thiệt mạng. Quân đội phản bác con số đó.

Trong khi đó, các cuộc biểu tình phản đối quân đội hàng ngày đã biến thành các cuộc nổi dậy vũ trang ở nhiều vùng của Myanmar, trong khi các cuộc xung đột sắc tộc kéo dài hàng thập kỷ lại bùng phát.

Những người phản đối chính quyền đã bày tỏ sự thất vọng trước hành động thiếu cứng rắn của ASEAN và nói rằng cuộc gặp giữa hai đại diện của hiệp hội này với thủ lĩnh quân đội Min Aung Hlaing hôm 4/6 đã mang tới thêm cho quan chức này tính chính danh nhưng không mang lại lợi ích gì khác.

Thái Lan có đường biên giới với Myanmar dài hơn bất kỳ quốc gia nào khác và lo ngại xung đột có thể kéo theo một làn sóng người tị nạn. Chính phủ Thái Lan cũng được lãnh đạo bởi một cựu chỉ huy quân đội, người đã chiếm quyền trong một cuộc đảo chính trước khi tổ chức bầu cử.