Thủ tướng Nhật dự kiến bán vũ khí cho Việt Nam trong chuyến công du đầu tiên

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga.

Nhật Bản có kế hoạch ký một thỏa thuận cho phép nước này xuất khẩu thiết bị và công nghệ quốc phòng sang Việt Nam như một phần trong nỗ lực tăng cường khả năng phòng thủ của các quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm chống hành động lấn lướt trên biển của Trung Quốc, tờ Nikkei đưa tin hôm 14/10.

Trước đó, hôm 13/10, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga thông báo rằng ông sẽ có chuyến công du nước ngoài đầu tiên vào tuần tới, và địa điểm được chọn thăm là Việt Nam và Indonesia. Dự kiến, hợp tác về an ninh sẽ là chủ đề làm việc chính và việc ký thoả thuận bán vũ khí là một phần trong nghị trình làm việc của tân lãnh đạo Nhật Bản với Việt Nam.

Tại châu Á, các quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông được xem là các nước tiềm năng cho việc bán vũ khí của Nhật Bản.

Hồi năm 2014, khi Nhật Bản chính thức dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí, truyền thông Trung Quốc lúc đó đồng loạt lên án động thái của Nhật, thậm chí nói rằng Nhật đang “lôi kéo” Việt Nam và Philippines chống Trung Quốc.

Việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí của Nhật có kèm theo quy định rõ về “Ba nguyên tắc chuyển giao trang bị phòng vệ”, bao gồm không được chuyển giao vũ khí cho một bên tham gia xung đột, bất kỳ việc chuyển giao nào cũng phải nhằm mục đích đóng góp vào an ninh của Nhật Bản, và Nhật phải chấp thuận trước khi bên nhận chuyển giao vũ khí cho bên thứ ba.

Trên thực tế, điều này có nghĩa là Nhật Bản về cơ bản sẽ không xuất khẩu thiết bị quốc phòng cho các nước trừ khi họ thừa nhận những nguyên tắc này trong một thỏa thuận chính thức.

Đến nay, Nhật Bản đã ký các thỏa thuận chuyển giao vũ khí dạng này với 9 quốc gia, trong đó có Mỹ, Anh, Philippines và Malaysia.

Riêng với thương vụ sắp tới, chi tiết cụ thể của việc xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản “sẽ phụ thuộc vào những gì mà Việt Nam muốn”, tờ Nikkei cho biết thêm.

Nhật Bản đã quảng bá máy bay tuần tra P-1 và máy bay vận tải C-2 ra nước ngoài, đồng thời ký thỏa thuận xuất khẩu hệ thống radar cảnh báo và kiểm soát của hãng Mitsubishi Electric với Philippines hồi tháng 8.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản hy vọng việc xuất khẩu và hợp tác phát triển vũ khí với các nước sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng trong nước giữa bối cảnh một số doanh nghiệp đã bắt đầu rời bỏ lĩnh vực này.

Giữa lúc Việt Nam đang thúc đẩy mở rộng hợp tác an ninh từ các nước khác ngoài quốc gia truyền thống như Nga, Tokyo hy vọng sẽ thuyết phục được Hà Nội “phân nhánh” trong chiến lược mua sắm vũ khí của mình, tờ báo của Nhật cho biết thêm.

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Suga hôm 12/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói “Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác chiến lược, quan trọng hàng đầu, lâu dài” và mong muốn tiếp tục cùng Nhật Bản tích cực thúc đẩy hợp tác song phương. Ông Phúc cũng cảm ơn Nhật Bản về những hỗ trợ dành cho Việt Nam trong việc đối phó với đại dịch Covid-19 trong thời gian qua.