Trung tâm Nhân quyền Raoul Wallenberg vừa kêu gọi chính phủ Canada áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 14 quan chức và hai cơ quan chính phủ Việt Nam do vi phạm nhân quyền “nghiêm trọng”, bao gồm việc “đàn áp xuyên quốc gia”.
Trung tâm Nhân quyền Raoul Wallenberg, với tư cách là Đồng Chủ tịch Liên minh Trừng phạt theo Đạo luật Magnitsky Toàn cầu, vừa đệ trình một khuyến nghị trừng phạt toàn diện lên Bộ Ngoại giao Canada, kêu gọi chính phủ có hành động trừng phạt 16 pháp nhân Việt Nam do có các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
“Có 14 cá nhân và 2 cơ quan bị đề nghị áp dụng các biện pháp trừng phạt nhân quyền có chủ đích. Danh sách này bao gồm các quan chức cấp cao, quan chức cấp trung và cấp thấp, kể cả trong Bộ Công an và cơ quan tư pháp, những người đã có hành vi vi phạm nhân quyền trắng trợn”, bà Kimberly Lenz, Điều phối viên của Trung tâm Nhân quyền Raoul Wallenberg (RWCHR), chia sẻ với VOA.
“Đảng Cộng sản Việt Nam, theo sự chỉ đạo của các nhà lãnh đạo, đã có hành vi ngược đãi nghiêm trọng đối với các nhà báo, các blogger, các nhà hoạt động dân chủ và môi trường, những người bảo vệ quyền đất đai, các nhóm dân tộc và tôn giáo thiểu số, các nhóm bản địa và những người xin tị nạn”, Trung tâm RWCHR, tổ chức nhân quyền có văn phòng ở thành phố Montreal, Canada, cho biết trong thông cáo báo chí ngày 2/10.
RWCHR cho biết họ phối hợp với tổ chức nhân quyền BPSOS ở bang Virginia của Mỹ, gửi đề xuất trừng phạt này lên chính phủ Canada.
“Chúng tôi đã đề nghị một số đơn vị công an như lực lượng Cảnh sát Cơ động, là lực lượng đã tấn công vào Đồng Tâm, bắn chết cụ Lê Đình Kình, và rất nhiều vụ biểu tình khác đã bị lực lượng này đàn áp đẫm máu”, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch của tổ chức BPSOS, chia sẻ với VOA về một pháp nhân của chính quyền Việt Nam bị đề nghị chế tài.
Báo cáo của chúng tôi nêu bật những hành vi vi phạm nghiêm trọng, bao gồm giết hại và giam giữ tùy tiện, đàn áp xuyên quốc gia, tra tấn và đàn áp các quyền tự do cơ bản tại Việt Nam, theo thông cáo của RWCHR.
“Tôi rất lo ngại rằng chính phủ đang trấn áp mọi hình thức chỉ trích, bất đồng chính kiến hoặc đối lập. Họ đã triệt bỏ hiệu quả các nhóm truyền thông độc lập và các tổ chức xã hội dân sự, nhắm vào những công dân bình thường đang thúc đẩy dân chủ và đấu tranh cho nhân quyền, quyền đất đai và quyền môi trường”, bà Lenz nhận định.
“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Canada áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những thủ phạm được liệt kê, không chỉ nhằm thúc đẩy lợi ích và giá trị quốc gia mà còn để bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, thúc đẩy các quyền con người được quốc tế công nhận và bảo vệ các cá nhân Việt Nam đang bị bức hại vì các lý do khác nhau, thực hiện các quyền tự do và quyền tự do cơ bản”, vẫn thông cáo của RWCHR.
XEM THÊM: Hoa Kỳ trừng phạt một cựu công an Việt Nam vì vi phạm nhân quyền‘Đàn áp xuyên quốc gia’
RWCHR đặc biệt quan ngại về hành động mà nhóm này gọi là “đàn áp xuyên quốc gia” của chính quyền Việt Nam.
“Chúng tôi cũng quan ngại về sự đàn áp xuyên quốc gia và các hình thức khác nhau của sự đàn áp này, bao gồm cả vụ bắt cóc ngoài lãnh thổ và sự mất tích cưỡng bức của những người tị nạn và người xin tị nạn từ các quốc gia như Thái Lan và Đức”, bà Lenz bày tỏ ý kiến. “Tôi cũng rất quan ngại về tình trạng sách nhiễu và đe dọa những người trốn khỏi cuộc đàn áp ở Việt Nam”.
“Đó là những quan chức cao cấp của Bộ Công an liên quan đến các vụ việc như bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, bắt cóc nhà báo Trương Duy Nhất… là những hành vi vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng, đặc biệt đã xâm phạm vào chủ quyền lãnh thổ của quốc gia khác như Đức, Cộng hòa Cezch, Slovakia, và Thái Lan”, ông Nguyễn Đình Thắng đưa ra đánh giá với VOA.
Bộ Công an và Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi khi VOA đề nghị họ bình luận về thông cáo nêu trên của RWCHR.
Giới hoạt động và truyền thông phương Tây cho rằng chính quyền Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức trong ngành dầu khí, ở Đức hồi năm 2017 và bị đưa về nước xử án tù chung thân với tội “tham ô”, sau khi ông xuất hiện tại Hà Nội “đầu thú”. Nhà báo Trương Duy Nhất được cho là bị bắt ở Thái Lan ngay sau khi ông sang Bangkok xin tị nạn vào năm 2019 và hiện ông đang thụ án tù 10 năm với tội danh “lợi dụng chức vụ quyền hạn”.
XEM THÊM: Nhóm dân biểu Mỹ đưa ra dự luật nhân quyền nhằm vào quan chức, bộ công an VNChính phủ Canada: ‘sẽ xem xét cẩn thận’
“Bộ Ngoại giao Canada thường xuyên nhận được các đề xuất và đề xuất trừng phạt từ nhiều bên liên quan khác nhau. Những đệ trình này được xem xét cẩn thận như một phần của quá trình xem xét và phân tích liên tục của bộ”, bà Clémence Grevey, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Canada (Global Affairs Canada), phản hồi VOA qua email khi được hỏi về đề xuất trừng phạt của RWCHR.
“Canada hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế để đảm bảo các biện pháp của chúng tôi có tác động tối đa”, bà Grevey nhấn mạnh, đồng thời lưu ý rằng bộ ngoại giao nước này “không đưa ra bình luận về các trường hợp riêng lẻ để đảm bảo tính toàn vẹn của quy trình”.
Vào năm 2017, Canada thông qua Đạo luật Công lý cho Nạn nhân của Quan chức Nước ngoài Tham nhũng (JVCFOA), còn được gọi là Luật Sergei Magnitsky, để xử phạt các cá nhân nước ngoài chịu trách nhiệm về vi phạm nhân quyền hoặc tham nhũng.
Sergei Magnitsky là tên của một luật sư người Nga bị chính quyền Nga bắt và tống giam không qua xét xử sau khi ông điều tra một vụ đại án tham nhũng và lừa đảo thuế liên quan đến các cảnh sát và quan chức chính phủ Nga. Cảnh sát Nga bị tố cáo là đã đánh đập, tra tấn ông cho đến chết chỉ hơn một tuần trước khi ông hết hạn giam giữ để điều tra theo luật vào tháng 11/2009.
Tương tự như những luật Magnitsky của các nước khác, luật này của Canada trừng phạt đối tượng vi phạm thông qua hình thức cấm nhập cảnh, phong tỏa tài sản.
Trước đó, Luật Magnitsky Toàn Cầu (Global Magnitsky Act) được Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua cuối năm 2016. Tổ chức BPSOS cũng đã đề nghị chính phủ Hoa Kỳ chế tài một số quan chức Bộ Công an Việt Nam theo đạo luật này.
Từ tháng 8/2022 đến nay, RWCHR đảm nhận đồng chủ trì Liên minh Trừng phạt theo đạo luật Magnitsky Toàn cầu - một liên minh gồm hơn 375 tổ chức phi chính phủ lớn ủng hộ các biện pháp trừng phạt có mục tiêu chống lại thủ phạm của các hành vi vi phạm nhân quyền và tham nhũng nghiêm trọng nhất trên thế giới.
Hồi tháng 5/2024, trước phiên đối thoại thường niên về nhân quyền giữa Liên hiệp châu Âu (EU) và Việt Nam, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cũng đã đề xuất khối này áp dụng các biện pháp trừng phạt có chủ đích đối với các quan chức và pháp nhân Việt Nam có hành vi “đàn áp có hệ thống” nhân quyền ở trong nước.
VOA Tiếng Việt: Bài viết được cập nhật lúc 7:36 phút sáng ngày 30 tháng 10, bổ sung phát biểu của bà Kimberly Lenz liên quan đến quan ngại về tình trạng sách nhiễu và đe dọa những người trốn khỏi các cuộc đàn áp ở Việt Nam.
Your browser doesn’t support HTML5