Vào ngày 31/3, Thủ tướng Liên bang Đức Olaf Scholz điện đàm với Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, trao đổi về nhiều chủ đề, trong đó có việc tăng cường quan hệ đối tác song phương và quan hệ kinh tế, cũng như về tình hình chiến sự ở Ukraine, theo Thông tấn xã Việt Nam và thông cáo của Chính phủ Liên bang Đức.
Người phát ngôn của Chính phủ Liên bang Đức Steffen Hebestreit cho biết trong một thông cáo hôm 31/3 rằng hai nhà lãnh đạo “đã trao đổi về các chủ đề, trong đó có việc tăng cường quan hệ đối tác song phương và quan hệ kinh tế, cũng như về cuộc chiến tranh ở Ukraine”, đồng thời cho biết thêm rằng hai ông còn thảo luận về hợp tác bảo vệ khí hậu và năng lượng, cũng như các vấn đề quốc tế.
Được biết đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu quan điểm về tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine với một chính khách nước ngoài, mà dường như theo cách báo chí Việt Nam loan tin, Thủ tướng Scholz là người đề cập trước chủ đề này.
Thông tấn xã Việt Nam viết: “Thủ tướng Olaf Scholz nêu quan điểm của Đức về tình hình ở Ukraine”.
“Về vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam là tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Liên hợp quốc, trong đó có việc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực,” TTXVN cho biết thêm.
Ông Trọng cũng mong muốn các bên liên quan thúc đẩy đối thoại, đàm phán để chấm dứt chiến sự, lập lại hòa bình trên cơ sở tôn trọng lợi ích chính đáng của các bên, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Your browser doesn’t support HTML5
Cũng như hầu hết các quốc gia phương Tây khác, chính phủ Đức của ông Scholz lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, tố cáo tội ác chiến tranh của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ngoài ra, Berlin cũng công khai ủng hộ Ukraine.
Việt Nam, trong khi đó vào tháng trước đã hai lần bỏ phiếu trắng cho các nghị quyết LHQ về việc lên án cuộc xâm lăng của Nga, yêu cầu Moscow rút quân ra khỏi Ukraine, và lên án Nga gây thảm hoạ nhân đạo ở Ukraine.
Từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine 24/2 cho đến nay, chính quyền và truyền thông Việt Nam sử dụng ngôn từ của Moscow, gọi đó là “Chiến dịch quân sự đặc biệt” và chưa bao giờ gọi đây là một cuộc xâm lược, mặc dù đề cao “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.
Trước đó vào giữa tháng 3, trong một cuộc họp với các lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam, ông Trọng, người vừa nhận Giải thưởng Lenin của Đảng Cộng sản Nga, yêu cầu “theo sát tình hình Ukraine”, “để có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, đồng bộ, kịp thời những vấn đề liên quan đến Việt Nam, đặc biệt trên các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, kinh tế và an ninh chính trị”.
Trong cuộc điện đàm hôm 31/3, ông Trọng đề nghị nhà lãnh đạo Đức nâng cao hợp tác giữa hai nước về đầu tư, thương mại, khoa học, công nghệ, giáo dục, quốc phòng, an ninh lên tầm cao mới, thực sự đúng tầm quan hệ đối tác chiến lược, theo TTXVN.
Thủ tướng Olaf Scholz đề nghị hai nước đẩy mạnh hợp tác chính trị song phương và tại các diễn đàn quốc tế, tăng cường hợp tác kinh tế trong đó có phát huy thế mạnh của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và thúc đẩy các dự án của Đức ở Việt Nam, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống dịch bệnh COVID-19.