Tổng thống Obama loại trừ giải pháp quân sự ở Ukraina

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.

Tổng thống Barack Obama bày tỏ hy vọng là kế hoạch xuống thang căng thẳng tại Ukraina, đạt được hôm thứ Năm tại Geneva, sẽ đưa đến việc khôi phục hòa bình và an ninh cho toàn thể dân chúng Ukraina. Thông tín viên VOA Zlatica Hoke tường thuật rằng nhà lãnh đạo Mỹ nói với các phóng viên tại Washington là nếu Nga không có những bước nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng tại miền đông Ukraina, Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu sẽ đáp trả bằng những biện pháp mạnh mẽ. Nhưng ông loại trừ việc can thiệp bằng quân sự.

Tổng thống Obama nói những chế tài đã áp đặt đối với Nga đã có những ảnh hưởng rõ ràng đối với kinh tế Nga và những chế tài thêm nữa có thể làm cho tình hình tồi tệ hơn. Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nói:

“Nhưng chúng tôi không có ý làm tổn hại đến người dân thường ở Nga. Điều chúng tôi chú trọng mạnh mẽ là ông Putin nên theo đuổi tia hy vọng le lói phát xuất từ những cuộc thảo luận tại Geneva, nhưng chúng tôi sẽ không trông cậy vào việc này cho đến khi chúng tôi thấy được rõ ràng.”

Tổng thống Obama phát biểu như vậy sau khi có những tin tức từ Geneva cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và người tương nhiệm châu Âu là bà Catherine Ashton đã đồng ý về một kế hoạch xuống thang căng thẳng và ngăn đổ máu giữa quân đội Ukraina và các dân quân thân Nga.

Ông Lavrov loan báo sau cuộc họp là phái bộ của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu OSCE đã có mặt tại Ukraina sẽ theo dõi việc thi hành kế hoạch. Ông nói:

“Tất cả những nhóm vũ trang bất hợp pháp phải được giải giới. Tất cả những tòa nhà bị chiếm đóng bất hợp pháp phải được trao trả cho các chủ nhân hợp pháp. Tất cả các đường phố, quảng trường và các nơi công cộng phải được trả về nguyên trạng. Ân xá sẽ được ban bố cho các người biểu tình, trừ những người bị xét thấy phạm tội.”

Những nhóm vũ trang thân Nga đã chiếm các tòa nhà chính phủ tại nhiều thành phố miền đông Ukraina và Nga đã điều động lực lượng dọc theo biên giới với Ukraina, gây nên những lo ngại tái diễn kịch bản Crimea.

Cựu đại diện thường trực của Hoa Kỳ tại NATO Kurt Volke không đặt nhiều hy vọng vào thỏa thuận ngày thứ Năm với Moskova. Ông nói:

“Đây là một mưu toan đáng lạc hướng dư luận về những gì xảy ra tại Ukraina và những hành vi của Nga tại Ukraina. Và khi Nga nói đồng ý xuống thang, tôi chắc chắn là những điều Nga muốn là họ hy vọng Ukraina và phương Tây xuống thang và cho phép Nga tiến hành làm những gì họ đang làm. Do đó tôi không thấy thỏa thuận này có gì đáng kể.”

Ông Volker nói Hoa Kỳ và NATO phải chứng tỏ sức mạnh và quyết tâm để làm Nga nản và chí không tiến thêm những bước nữa và việc này sẽ góp phần tạo nên ổn định.

Ngày thứ Năm, Tổng thống Obama hứa có những hành động mạnh mẽ để làm Nga nhụt chí nhưng ông loại trừ bất cứ giải pháp quân sự nào. Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nói:

“Bởi vì đây không không phải là một tình hình có thể giải quyết được bằng một giải pháp quân sự rõ rệt. Điều chúng ta phải làm là tạo ra một môi trường trong đó những lực lượng bất hợp pháp phải giải giới, ngưng việc chiếm đóng những tòa nhà, và tổ chức một cuộc đối thoại quốc gia giữa những người Ukraina, không phải người Nga, không phải người Mỹ hay bất cứ người nào khác, nhưng phải là giữa những người Ukraine.”

Tổng thống Obama nói Ukraina cần thực hiện những cải cách đáp ứng được quyền lợi của tất cả các phe nhóm khác nhau, tổ chức bầu cử và bắt đầu làm việc cho nền kinh tế nước này.

Ukraine mở chiến dịch trấn áp lực lượng ly khai