Tổng thống Sudan tuyên bố 'đánh bại' Tòa án Hình sự Quốc tế

Tổng thống Bashir nói người dân Sudan “đã đánh bại” ICC bằng cách từ chối trao các giới chức Sudan cho cái ông gọi là “tòa án thuộc địa.”

Tổng thống Sudan Omar al-Bashir tuyên bố thắng Tòa án Hình sự Quốc tế ICC sau khi công tố viên tòa án ngưng điều tra về tội phạm chiến tranh tại Darfur.

Phát biểu tại Khartum ngày thứ Bảy, Tổng thống Bashir nói người dân Sudan “đã đánh bại” ICC bằng cách từ chối trao các giới chức Sudan cho cái ông gọi là “tòa án thuộc địa.”

Ông nói toà đã “công nhận” thất bại trong nỗ lực chống lại ông. Công tố viên trưởng của Tòa án Hình sự Quốc tế Fatou Bensouda cho biết bà “không có sự lựa chọn nào khác là tạm ngưng các cuộc điều tra về” vụ án của ông Bashir và chuyển các nguồn lực đó sang những vụ án cấp bách khác.

Trong phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, bà Bensoda nói rằng Hội đồng không thúc đẩy đủ mạnh để bắt nhà lãnh đạo Sudan.

Việc truy tố tổng thống Bashir phát xuất từ cuộc chiến của chính phủ Sudan chống lại những nhóm nổi dậy ở Dafur từ năm 2003.

ICC truy tố ông Bashir về 10 tội trong đó có tội phạm chiến tranh, tội ác chống nhân loại và tội diệt chủng trong các cuộc tấn công vào thường dân trong vùng.

Những cáo buộc bao gồm giết người, tra tấn, hiếp dâm, cướp phá và âm mưu huỷ diệt các nhóm tại Darfur.

Ông Bashir bị Tòa án Hình sự Quốc tế truy tố vào năm 2009, nhưng ông không chịu nộp mình cho nhà chức trách. Sau đó, ông đã vài lần đến thăm các nước hội viên Tòa án Hình sự Quốc tế nhưng không hề bị bắt giữ trong những chuyến đi đó.

Tòa án cũng truy tố tội phạm chiến tranh đối với 4 công dân Sudan khác, tất cả đều tại đào.

Hội Đồng Bảo An Liên hiệp quốc chia rẽ về vấn đề này. Trung Quốc, thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An có quyền phủ quyết những quyết định của Hội đồng, đứng về phía Sudan và không chấp nhận những biện pháp chống lại chính phủ Khartum.

Phe nổi dậy tại Darfur đã đứng lên chống lại chính phủ Sudan do người Ảrập lãnh đạo vào năm 2003. Liên hiệp quốc đã đưa lực lượng gìn giữ hòa bình đến vùng này, nhưng hơn một thập niên bạo động đã làm khoảng 300.000 người thiệt mạng và gần hai triệu người phải rời bỏ nhà cửa lánh nạn.