Tổng thống Zelenskyy: Biểu tượng cho sự bất khuất của Ukraine

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy.

Ông Volodymyr Zelenskyy đã truyền cảm hứng cho người dân Ukraine và được thế giới tôn trọng và ca ngợi vì lòng dũng cảm và bất khuất chống lại cuộc xâm lược tàn khốc của Nga đối với đất nước của ông.

Từ chối rời thủ đô Kyiv của Ukraine khi chiến tranh bùng nổ, thậm chí là trong lúc Nga dội mưa bom, cựu danh hài Zelenskyy đã huy động được đồng bào của mình từ các buổi ‘lên sóng’ từ thủ đô.

Chủ nhật vừa qua, ông lần đầu tiên đi tới miền đông kể từ khi chiến tranh khởi sự, thăm quân đội Ukraine gần tiền tuyến ở khu vực Kharkiv.

Những lần phát biểu trực tuyến trước quốc hội các nước để kêu gọi sự hỗ trợ, ông đều được cả hội trường đứng dậy tán dương nhiệt liệt.

Trả lời phỏng vấn Reuters và CNN hồi tháng 3, đáp câu hỏi về lịch sinh hoạt hàng ngày trong cuộc chiến, ông trả lời: “Tôi chỉ có làm việc rồi ngủ.”

Khi được hỏi Ukraine có thể cầm cự được bao lâu, ông Zelenskyy nói: “Chúng tôi không cầm cự, chúng tôi chiến đấu, và quốc gia của chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng. Đây là nhà của chúng tôi, chúng tôi đang bảo vệ đất đai, nhà cửa của mình. Vì tương lai con cháu chúng tôi.”

Thường mặc chiếc áo cộc tay màu xanh ô liu đặc trưng của mình, thường xuyên mệt mỏi và để râu không cạo, nhưng luôn luôn nhiệt huyết, ông Zelenskyy đã thúc đẩy các nhà lập pháp phương Tây áp đặt lệnh cấm vận đối với dầu khí Nga và tăng cường cung cấp vũ khí cho các lực lượng xung kích của ông trên tiền tuyến.

Phương Tây đã bác bỏ lời kêu gọi của ông về một vùng cấm bay, lo ngại điều này có thể dẫn đến xung đột trực tiếp với Nga và thậm chí gây ra Thế chiến Thứ ba, nhưng đã cung cấp viện trợ quân sự - bao gồm các loại pháo tự hành và tên lửa tiên tiến của Mỹ - cũng như hỗ trợ kinh tế trong khi áp đặt các chế tài chưa từng có lên Nga.

“Lịch sử đang ở một bước ngoặt ... Đây thực sự là thời điểm quyết định liệu bạo lực có thống trị thế giới hay không”, ông bố 44 tuổi của hai đứa trẻ nói với các lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu tại Davos vào tháng trước, mô tả cuộc chiến như một phần của cuộc đấu tranh toàn cầu giữa dân chủ và chủ nghĩa độc tài.

Ông tố cáo Nga tiến hành một cuộc chiến tranh diệt chủng: “Đây là một nỗ lực có chủ ý và tội phạm nhằm giết càng nhiều người Ukraine càng tốt, phá hủy càng nhiều nhà cửa, càng nhiều cơ sở xã hội và cơ xưởng càng tốt.” Nga phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào thường dân.

Ông Zelenskyy cũng chỉ trích kịch liệt điều ông xem là sự chậm trễ của châu Âu chế tài việc nhập khẩu năng lượng từ Nga, vốn là nguồn quỹ tài trợ cho chiến dịch quân sự của Moscow. Ông cũng phản pháo mạnh mẽ các chính trị gia phương Tây thúc giục ông nhượng bộ lãnh thổ để kết thúc chiến tranh.

Thực hiện chuyến đi đầu tiên ra khỏi Kyiv vào ngày 29 tháng 5 kể từ khi bắt đầu chiến tranh, ông nói với những người lính ở vùng đông bắc Kharkiv: “Các bạn liều mạng sống vì tất cả chúng ta và vì đất nước của chúng ta.”

Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa quân vào Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm nay trong một chiến dịch mà Moscow gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm giải giới và “phi quốc xã hóa” Ukraine, ông Zelenskyy, một người Do Thái, đã đáp trả bằng cách nhắc lại cuộc xâm lược của Hitler vào Liên Xô vào năm 1941.

Ông nói trong bài diễn văn toàn quốc: “Nga đã tấn công xảo quyệt vào đất nước chúng ta sáng nay, giống như Đức Quốc xã đã làm trong Thế chiến Thứ hai.” “Nga đã dấn thân vào con đường tội ác, nhưng Ukraine đang tự bảo vệ mình và sẽ không từ bỏ tự do của mình, bất kể Moscow nghĩ gì.”

Cuộc chiến tranh nâng cao danh tiếng của ông Zelenskyy cả trong lẫn ngoài nước nhưng gây thảm họa cho Ukraine, giết chết hàng chục nghìn người, biến các thành phố thành đống đổ nát và khiến hơn 6 triệu người phải bỏ xứ đi lánh nạn, theo Liên hiệp quốc.

Đầy tớ của dân

Ông Zelenskyy có phần chắc không phải là một nhà lãnh đạo thời chiến. Ông nổi danh từ loạt phim truyền hình nổi tiếng “Đầy tớ của dân,” trong đó ông đóng vai một giáo viên trung thực được bầu làm tổng thống và đánh bại những nhà lập pháp lương lẹo và những doanh nhân núp bóng.

Thắng ghế tổng thống bằng đa số áp đảo vào tháng 4 năm 2019, ông cam kết ngăn chặn tham nhũng vốn làm cản trở quá trình chuyển đổi từ chủ nghĩa cộng sản sang dân chủ của Ukraine. Nhưng Nga luôn luôn là thách thức lớn nhất đối với khát vọng của ông muốn xây dựng một quốc gia châu Âu hiện đại, dân chủ và ổn định.

Đảng ‘Đầy tớ của dân’ của ông Zelenskyy đã giành được đa số lớn trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 7 năm 2019 và ông Zelenskyy thoạt đầu mưu tìm một nền hòa bình thương lượng cho cuộc chiến chống phe ly khai do Nga hậu thuẫn ở Donbas tiếp diễn từ năm 2014.

Nhưng điều đó không kéo dài. Nga tiếp tục ủng hộ phe ly khai và căng thẳng tiếp tục gia tăng.

Bất chấp nguy cơ làm Moscow nổi giận, ông Zelenskyy đã ve vãn các nhà lãnh đạo phương Tây, gồm cả Tổng thống Mỹ Joe Biden tại cuộc hội đàm ở Tòa Bạch Ốc vào ngày 1 tháng 9 năm 2021. Ông đã khiến Putin tức giận với những lời kêu gọi ngày càng khăng khăng yêu cầu NATO và EU kết nạp Ukraine.

“Mọi người nên hiểu ... rằng chúng tôi đang chiến đấu, rằng chúng tôi đang bảo vệ nền dân chủ ở châu Âu và bảo vệ đất nước của chúng tôi..”, ông Zelenskyy nói trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 6 năm 2021.

“Từng ngày, chúng tôi chứng tỏ rằng chúng tôi sẵn sàng tham gia liên minh (NATO) hơn hầu hết các quốc gia trong Liên hiệp châu Âu.”

Giữa làn sóng bất bình trong công chúng đối với giới tinh hoa chính trị tham nhũng của Ukraine, ông Zelenskyy đã thắng trong cuộc tranh cử vào năm 2019 trước đối thủ Petro Poroshenko, một doanh nhân giàu có.

Trả lời Reuters trước cuộc bầu cử lúc đó rằng ông khác với những ứng cử viên còn lại chỗ nào, ông Zelenskyy chỉ vào mặt mình, nói: “Đây là một gương mặt mới. Tôi chưa bao giờ tham gia chính trị.”

“Tôi không lừa dối mọi người. Họ đồng cảm với tôi vì tôi cởi mở, tôi đau đớn, tôi tức giận, tôi phẫn nộ...Nếu tôi thiếu kinh nghiệm thì là tôi thiếu kinh nghiệm. Nếu tôi không hiểu biết chuyện gì, tôi thành thật thừa nhận.”

Ông Zelenskyy vô tình bị lôi kéo vào chính trị Mỹ sau một cuộc điện thoại mà qua đó cựu Tổng thống Donald Trump khi ấy đã cố gắng yêu cầu ông điều tra đối thủ bên Đảng Dân chủ là ông Biden về các giao dịch kinh doanh ở Ukraine.

Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ lãnh đạo đã đàn hặc ông Trump sau khi một cuộc điều tra kết luận rằng ông đã giữ lại viện trợ quân sự cho Ukraine để tạo ảnh hưởng Kyiv. Ông Trump phủ nhận hành vi sai trái và Thượng viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát sau đó đã tuyên bố tha bổng ông.