Tranh cãi Nga-Ukraine: 12 thủy thủ Ukraine bị gia hạn giam giữ

Một thủy thủ (giữa)của một trong ba tàu hải quân Ukraine bị Nga tấn công và chiếm giữ hôm Chủ nhật, được giải đi sau một phiên tỏa ở Simferopol, ở bán đảo Crimea bị Nga sáp nhập, ngày 27 tháng 11, 2018.

Một tòa án ở bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập đã ra lệnh cho 12 trong số 24 thủy thủ người Ukraine bị bắt giữ hôm Chủ nhật bởi lực lượng hải quân Nga sau một cuộc đối đầu, phải chịu giam giữ thêm hai tháng nữa.

Các thủy thủ này điều khiển ba tàu hải quân Ukraine. Họ bị Nga cáo buộc là xâm phạm vùng biển của Nga bất hợp pháp và phớt lờ các cảnh báo từ lính biên phòng Nga, những cáo buộc mà Ukraine đã bác bỏ.

Ukraine đã ban hành thiết quân luật ở một số khu vực biên giới của mình để đáp lại vụ việc, và cùng với ngày càng nhiều các nước Châu Âu khác, đã kêu gọi các đồng minh phương Tây áp đặt chế tài bổ sung lên Moscow.

Nghị viện Ukraine hôm thứ Hai biểu quyết phê chuẩn thiết quân luật tại 10 trong số 27 vùng của đất nước bắt đầu từ ngày thứ Tư.

Luật kêu gọi 30 ngày thiết quân luật, một sự nhượng bộ rõ ràng trước những người chống đối. Điều này sẽ cho phép các cuộc bầu cử Tổng thống của đất nước được tổ chức theo lịch trình vào ngày 31 tháng 3 năm sau.

Nga đã bắn vào hai tàu hải quân của Ukraine và tông vào tàu thứ ba hôm Chủ nhật ở Biển Đen, chiếm giữ các tàu này và cáo buộc chúng xâm nhập trái phép lãnh hải của Nga.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hôm thứ Ba kêu gọi Ukraine và Nga "kiềm chế tối đa" để tránh leo thang hơn nữa trong khu vực.

Hội đồng Bắc Đại Tây Dương, cơ quan ban hành quyết định chính của NATO, nói "không có sự biện minh nào cho việc Nga dùng vũ lực quân sự đối với Ukraine" và kêu gọi Nga thả các thủy thủ "ngay lập tức."

Tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, hầu hết các thành viên lên án sự leo thang, thúc giục kiềm chế, kêu gọi phóng thích vô điều kiện và ngay lập tức các thủy thủ Ukraine và trả lại tàu của họ.

Phản ứng về việc áp dụng thiết quân luật của Kiev, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo trong một cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm thứ Ba rằng Ukraine chớ có bất kì hành vi liều lĩnh nào, nói rằng ông "hết sức lo ngại" về những diễn biến này.

Vụ việc hôm Chủ nhật khởi sự khi một tàu kéo của Ukraine khởi hành để hộ tống hai tàu hải quân từ thành phố Odessa bên bờ Biển Đen, qua Eo biển Kerch đến cảng Mariupol của Ukraine bên Biển Azov.

Eo biển Kerch là kênh lưu thông duy nhất giữa hai biển này.

Ukraine nói Nga đã sử dụng một tàu chở dầu để chặn đường vào Eo biển Kerch mà theo một hiệp ước là lãnh thổ chung.

Trong một diễn tiến liên quan, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 27/11 cho biết có thể sẽ hủy cuộc gặp dự trù với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thượng đỉnh G20 sắp tới ở Argentina vì vụ này.