Tranh cãi trường chuyên: Đâu là lối ra?

Thượng đỉnh Giáo dục Tortoise diễn ra qua mạng hồi cuối tháng Sáu với sự tham gia của ngôi sao YouTube Vee Kativhu (ảnh hàng đầu phía bên phải) và chuyên gia giáo dục từ Hoa Kỳ Cami Anderson (hàng hai phía bên phải)

Giữa lúc cuộc tranh luận về trường chuyên diễn ra ở Việt Nam, một loạt các thảo luận trực tuyến về tương lai giáo dục cũng diễn ra tại Anh. Dù đi trước Việt Nam về nhiều mặt, giáo dục Anh vẫn có nhiều vấn đề mà người Việt nhìn vào có thể thấy mình trong đó.

Một trong các diễn giả của các thảo luận trực tuyến trong Thượng đỉnh Giáo dục, do hãng truyền thông Tortoise của Anh tổ chức, cho rằng cần nhìn lịch sử đúng như nó diễn ra chứ không theo cách lảng tránh quá khứ thực dân cũng như buôn bán nô lệ của Anh. Nữ Nam tước Valerie Amos, người da màu đầu tiên từng là bộ trưởng phụ trách phát triển quốc tế ở Anh, hiện là lãnh đạo Đại học SOAS và sắp tới là University College của Oxford, nói: “Phải có cách để nói với cả dân tộc rằng lịch sử mà chúng ta đang vin vào là thứ được kể không đầy đủ. Điều này đòi hỏi sự dũng cảm, niềm tin và sự lãnh đạo.” Sự lãnh đạo mà bà nói ở đây là của thủ tướng Anh cũng như bộ trưởng giáo dục.

Tại Việt Nam, những gì được dạy trong nhà trường về Đảng Cộng sản, chế độ Việt Nam Cộng hoà, cuộc chiến Việt – Trung… đều không được kể đầy đủ, thậm chí bị xuyên tạc. Nếu các bậc thầy cô được dạy để nói dối, người ta khó hy vọng các học sinh sẽ trung thực.

Cũng liên quan tới chuyện các học sinh và sinh viên cần học gì, nữ sinh Phoebe Hanson nói tại Thượng đỉnh Giáo dục: “Chúng tôi là tương lai nhưng chúng tôi không được chuẩn bị để là tương lai.” Cô có ý nói tới việc giảng dạy không đúng mức hiện nay về biến đổi khí hậu nhưng nó cũng đúng trong nhiều lĩnh vực khác. Tương lai của Việt Nam trong 50 năm tới khó có thể là bức tranh lớn hơn của hiện tại với sự độc đoán và một nền giáo dục nặng về thành tích cũng như nhiều dối trá với điểm giả và bằng giả. Nền giáo dục hiện nay chỉ nhằm để duy trì hiện trạng nhưng giới trẻ luôn có thể vượt qua khuôn khổ đó để tự mình học những kiến thức họ cần để thay đổi thực trạng.

Cũng tại Thượng đỉnh Giáo dục, một giáo sư Hoa Kỳ gốc Trung Quốc, ông Yong Zhao nói: “Chúng ta không chuẩn bị trẻ em cho tương lai, chúng ta chuẩn bị trẻ em để tạo tương lai.” Điều này thật đúng với những nước như Việt Nam và Trung Quốc, nơi tương lai không nên là sự nối dài những bất công và bất bình đẳng của hiện tại. Sinh viên Trung Quốc hơn 30 năm trước đã muốn tạo tương lai nhưng xe tăng cộng sản đã đè nát hoài bão của hàng triệu người trẻ tuổi. Việt Nam hơn Trung Quốc vì đã từng có những bài học từ các thí nghiệm về tự do dân chủ ở Việt Nam Cộng hoà. Các học sinh và sinh viên nên tự tìm hiểu các trải nghiệm đó để tạo một tương lai trong đó quyền tự do lập hội, tự do ngôn luận và tự do biểu tình sẽ xuất hiện trở lại ở nước Việt Nam độc lập nhưng đang thiếu tự do và còn nhiều người bất hạnh chỉ vì không chấp nhận thực tại.

Nếu nói về một nền giáo dục lý tưởng, những người tham gia Thượng đỉnh Giáo dục cho rằng đó sẽ là nền giáo dục trong đó trường nào cũng là trường tốt để không còn tình trạng phải thi vào trường chuyên hay xếp hàng để vào một số trường nhất định. Các trường sẽ có quy mô nhỏ, các lớp học chỉ ở mức 20 em mỗi lớp và các em sẽ có tiếng nói trong chuyện chọn học gì. Giáo viên không phải là những người đến trường kiếm cơm mà thực sự say mê giảng dạy. Họ cũng phải là những người mang đến niềm tin vào bản thân cho học sinh. Một trong số các sinh viên tham gia Thượng đỉnh Giáo dục nói học sinh ở trường bạn chỉ được khuyến khích để đỗ thay vì đỗ cao. Có học sinh của trường muốn thi vào đại học danh tiếng nhưng lại không được ủng hộ chỉ vì trường không tin rằng sinh viên đó có thể vào được Oxford như ngôi sao YouTube Vee Kativhu, người đã kể chuyện cô là người da màu vào Oxford ra sao. Ngoài ra mô hình thành công ở Phần Lan cũng cho thấy các chính sách giáo dục cần là sự đối thoại liên tục giữa học sinh, giáo viên và lãnh đạo ngành giáo dục.

Hồi tôi còn là sinh viên, các bạn tôi từng nhại câu của Lenin thành ‘học, học nữa, học mãi… mà vẫn dốt’. Điều này tiếc là vẫn đúng đối với một số trường hợp thuê người học hộ hoặc học cốt để lấy bằng nhằm tiếp tục thăng tiến chứ không phải lấy kiến thức của nhiều quan chức Việt Nam. Suy cho cùng việc học phải là đốt đuốc tìm hiểu thế giới và tìm ra sự thật trong một môi trường văn minh. Môi trường hiện nay ở nhiều trường học khó có thể coi là văn minh và chuyện tìm sự thật trong một số lĩnh vực hiếm khi được khuyến khích.