Cuộc tranh luận giữa 6 ứng cử viên hàng đầu của Đảng Dân chủ ở Las Vegas hôm 19/2 thu hút sự chú ý của truyền thông Mỹ nhiều hơn cả thường lệ, một phần vì sự xuất hiện lần đầu của tỷ phú Michael Bloomberg, ứng cử viên mới nhất tham gia cuộc đua để được Đảng Dân chủ đề cử ra tranh chức Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử vào cuối năm nay.
Hầu hết các nhà bình luận đều đồng ý với nhau rằng đây là cuộc tranh luận gay gắt nhất tính cho tới nay, các đối thủ đã không nương tay mà thẳng thừng chỉ trích lẫn nhau, và mục tiêu bị nhắm tấn công nhiều nhất là ông Bloomberg. Trong một bài bình luận, báo Newsweek còn cho rằng ông Bloomberg trở thành người thua cuộc ngay sau vài phút tranh luận vì bị tấn công từ tứ bề.
Đài NPR đưa ra 6 điều đáng chú ý trong cuộc tranh luận:
1.Ông Bloomberg trở thành tâm điểm được chú ý, nhưng ông đã không tận dụng được cơ hội và không chống đỡ được các cuộc tấn công tới tấp của các đối thủ, vốn có nhiều kinh nghiệm tranh luận hơn ông trong thời gian gần đây.
Ông Bloomberg, 78 tuổi, đôi khi bị “mất thăng bằng” trong cuộc tranh luận, đặc biệt khi bị Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren nhắc tới những phát biểu có tính kỳ thị của ông về phụ nữ, và các thỏa thuận ngoài tòa mà ông đạt được với một số nhân viên để họ giữ kín những gì xảy ra.
Nhà tỷ phú này, theo NPR, đã bỏ lỡ nhiều cơ hội, không nêu lên những thành tích của ông, như chi ra 100 triệu USD hồi năm 2018 để giúp phụ nữ ra tranh cử, hay chi ra các khoản tiền lớn để cỗ vũ cho luật kiểm soát súng ống.
2. Thượng nghị sĩ Warren là ứng cử viên tranh luận hung hăng nhất lần này, nhưng không rõ bà đạt được gì.
Nhà bình luận của NPR nói bà Warren tấn công tất cả những ai có thể cản trở bà. Không chỉ nhắm vào ông Bloomberg về thái độ đối với phụ nữ, bà chỉ trích ông Sanders, nói rằng “bầu cho ông Sanders là đánh cược với một cuộc cách mạng sẽ không thuyết phục được đa số cử tri”.
Bà tấn công cựu Phó Tổng thống Joe Biden và Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar là tìm cách lấy lòng chủ tịch Thượng viện Đảng Cộng hoà Mitch McConnel, và tấn công Pete Buttigieg, cựu thị trường South Bend, Indiana là “nhận tiền từ những người giàu có và thay đổi ý kiến.”
3. Thành phần có lập trường trung dung trong Đảng Dân chủ không đoàn kết
Ông Buttigieg và bà Klobuchar coi nhau như đối thủ, vì họ cạnh tranh để chiếm được sự ủng hộ của cùng thành phần cử tri.
4. Ông Biden lập luận rằng ông là ứng cử viên có nhiều cơ may được bầu làm Tổng thống nhất.
Bất chấp là ứng cử viên về sau trong các cuộc bầu cử sơ bộ ở bang Iowa và New Hampshire, ông Biden khẳng định ông là ứng cử viên tốt nhất để đánh bại ông Trump. Cho tới nay, các cuộc thăm dò công luận tiếp tục cho thấy ông Biden có triển vọng cao nhất để đánh bại ông Trump, nhưng theo NPR, chiến dịch vận động kỳ này cho thấy là trên thực tế, ông Biden không chứng minh được ông là ứng cử viên có triển vọng nhất.
Báo Newsweek cho rằng ông Biden vẫn ỷ y quá nhiều vào quá trình phục vụ của ông trong chính quyền tiền nhiệm, thay vì đưa ra những lập luận vững chắc vì sao ông xứng đáng làm Tổng thống.
5. Ông Sanders đã không làm gì để thu phục thêm cử tri ngoài trừ thành phần nòng cốt ủng hộ ông, nhưng ông sẽ được hưởng lợi trong tình trạng rối loạn.
Ông Sanders có nhân sinh quan và lập trường đối nghịch với tỷ phú Bloomberg. Trong khi ông Bloomberg là một nhà tư bản, từng thuộc Đảng Cộng hoà, ông Sanders là nhân vật thiên tả, có khuynh hướng ‘xã hội chủ nghĩa’, có thể làm một thành phần cử tri Mỹ quay lưng với ông.
Nhưng ông Sanders hiện là ứng cử viên dẫn đầu sau khi vận động ở Iowa và chiến thắng ở New Hampshire. Trong khi thành phần có lập trường trung dung chưa chọn được một ứng cử viên duy nhất nào, ông Sanders sẽ tiếp tục được hưởng lợi và có triển vọng chiếm được đa số đại biểu để giành được sự đề cử của đảng.
6. Ngư ông hưởng lợi trong cuộc tranh luận này là ông Trump.
Tổng thống Trump và ê-kíp của ông rất hài lòng về những gì đã chứng kiến trong cuộc tranh luận bên Đảng Dân chủ lần này, theo NPR. Những lập luận về chủ nghĩa tư bản chống chủ nghĩa xã hội, thành phần trung dung chưa chọn được một ứng cử viên để ủng hộ, và những vụ chỉ trích gấu ó lẫn nhau trong đảng dân chủ là tin vui cho thành phần cử tri ủng hộ ông Trump với khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại.”