Triều Tiên tuyên bố sẽ cắt các đường dây nóng với Hàn Quốc

Sinh viên Triều Tiên lên án Hàn quốc sau khi người đào tị ở Hàn quốc gửi truyền đơn chống Bình Nhưỡng qua biên giới, Ảnh chụp ở Bình Nhưỡng, thứ Bảy 6/6/2020.

Triều Tiên hôm thứ ba tuyên bố sẽ cắt đứt các đường dây nóng với Hàn Quốc như bước đầu hướng tới việc chấm dứt mọi liên lạc với Seoul, hãng thông tấn nhà nước KCNA đưa tin.

Trong nhiều ngày qua, Triều Tiên liên tục đả kích Hàn Quốc, đe dọa đóng cửa văn phòng liên lạc liên Triều và các dự án khác, nếu miền Nam không ngăn người đào tị gửi tờ rơi và các tài liệu khác vào đất Bắc.

Các quan chức hàng đầu của Bắc Triều Tiên, gồm em gái của lãnh tụ Kim Jong Un, bà Kim Yo Jong, và ông Kim Yong Chol, Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Triều Tiên, đã xác quyết rằng những việc làm đối với miền Nam nên hoàn toàn chuyển sang thành các nỗ lực chống lại một kẻ thù, theo hãng tin nhà nước Triều Tiên KCNA.

Nguồn tin này nói rằng bước đầu tiên, vào trưa ngày thứ Ba 9/6, Triều Tiên sẽ cắt đứt đường dây liên lạc với một văn phòng liên lạc liên Triều, và các đường dây nóng giữa hai quân đội và giữa phủ Chủ tịch với phủ tổng thống Hàn quốc, báo cáo cho biết.

Sáng thứ Ba, các quan chức Triều Tiên không trả lời một cuộc gọi hàng ngày đến văn phòng liên lạc, và cũng không trả lời các đường dây nóng quân sự, một nữ phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết tại một cuộc họp báo.

Các cuộc điện đàm hàng ngày giữa Nam và Bắc Triều Tiên nên được duy trì vì chúng là phương tiện liên lạc cơ bản, Bộ Thống nhất của miền Nam, là cơ quan đặc trách về các vấn đề liên Triều, nói.

Bộ này cho biết sẽ tiếp tục tuân theo các nguyên tắc mà hai bên đã thỏa thuận, và cố gắng vươn tới phía trước vì hòa bình và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên.

Quyết định của miền Bắc cắt đứt liên lạc đánh dấu một bước thụt lùi trong các quan hệ song phương vào lúc mà miền Nam đẩy mạnh các nỗ lực nhằm thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của họ để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt quốc tế gắt gao. Hai miền Triều Tiên trên nguyên tắc vẫn còn trong tình trạng chiến tranh vì Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc bằng một thỏa thuận ngưng chiến chứ không phải là một hiệp ước hòa bình.

Các nhà phân tích cho rằng động thái này có khả năng đẩy cao số người muốn đào thoát khỏi miền Bắc, bởi vì Triều Tiên đang chịu áp lực kinh tế ngày càng nặng nề giữa cuộc khủng hoảng dịch bệnh corona và các lệnh trừng phạt quốc tế.

“Tình hình Triều Tiên có thể tệ hại hơn chúng ta tưởng”, theo Giáo sư Choo-Jae-woo của Đại học Khung Hee. Ông nói cắt đứt liên lạc là một ‘trò mà Bình nhưỡng thường dùng, dù trò này có thể nguy hiểm. Giáo sư Choo nói ông tin rằng Bình Nhưỡng đang tăng áp lực để buộc miền Nam phải cho thêm một điều gì đó.