Ngày Nảy, Ngày Nay (Tức Trịnh Hội v. Công An – Tập 4)

Thật ra lấy tên mình để đặt tựa đề cho loạt bài blog này thì thấy cũng hơi quá đáng nhưng suy đi nghĩ lại vì hiện tại tôi không thể nào thưa mấy anh công an Việt Nam ra toà vì tội bắt người trái phép thành thử tôi đành phải lấy tựa đề Trịnh Hội v. Công An để coi như lần này mình thưa mấy ảnh ra tòa án nhân dân…trên đài VOA cho đỡ tức!

Sau khi đọc xong loạt bài này tôi mong là tất cả các bạn sẽ công bằng xét xem tôi có đáng bị trục xuất hay không và bên công an đã có đầy đủ bằng chứng để buộc tội tôi không. Dĩ nhiên nhân tiện tôi cũng có lời mời mấy anh công an bên A18 và A25 đã từng quay tôi như dế trong suốt 6 tháng trời ròng rã, nếu muốn, có thể lên tiếng bào chữa cho hành động của mình bằng cách gửi email cho tôi hoitrinh@hotmail.com. Tôi xin thề sẽ tường thuật lại đầy đủ và trung thực.

OK. Bây giờ tôi xin kể tiếp.

Cũng như bao người thất nghiệp khác, sau khi làm show ở Úc về tôi đã phải bắt đầu lên computer làm lại resume để gửi đi mọi nơi xin việc. Việc gì tôi cũng xin. Từ làm manager, làm tin tức cho các đài ở hải ngoại, cho đến việc làm luật sư cho những công ty tư vấn luật của Mỹ, Úc, Hồng Kông… Cũng may là từ lúc ra trường đến giờ tôi chưa bao giờ bị cho ở không nên chỉ vài tuần sau tôi đã được thông báo là tôi được nhận vào làm manager cho công ty kiểm toán lớn hàng đầu thế giới của Anh có tên là Ernst & Young hiện có hai văn phòng ở Hà Nội và Sài Gòn.

Tôi sẽ được nhận vào làm việc ở văn phòng Sài Gòn với hợp đồng đầu tiên là hai năm. Sau đó nếu thích tôi có thể ký gia hạn thêm.

Thật ra lúc ấy tôi chưa có ý định về lại hẳn Việt Nam để sinh sống vì tôi vẫn còn một số công việc riêng tư ở Mỹ, ở Úc chưa giải quyết xong. Nhưng một phần vì bản tính cố hữu thích đi của tôi, phần lớn khác vì tôi muốn tận tai, tận mắt thấy được những thay đổi trong xã hội Việt Nam đúng 10 năm kể từ ngày tôi bị đuổi đi, nên cuối cùng tôi đã quyết định ký hợp đồng trở về.

Tôi thường nghĩ để có thể nhận xét về một xã hội, một đất nước một cách chính xác và đầy đủ, điều kiện đầu tiên và cần thiết nhất là bạn phải sống và thở trong xã hội ấy trong một thời gian dài. Không phải sống và thưởng ngoạn như một du khách. Mà phải hòa đồng cùng với bao người dân khác trong thành phố hối hả với công việc mỗi ngày. Và lo lắng mỗi khi có mưa to (vì con đường Nguyễn Hữu Cảnh nơi tôi ở gần quận 1 sẽ thành sông không thể nào về nhà!).

Thành tâm mà nói những ngày đầu lúc mới trở về tôi rất thích. Vì cái chi cũng lạ nhưng rất gần, tình bằng hữu trong công việc tuy mới quen nhưng rất sâu đậm và tình cảm gia đình bên nội, ngoại luôn quấn quít bên nhau làm cho tôi có cảm giác như tôi vừa mới đi đâu rất xa nay mới được trở về sống bên cạnh những người thân trong ngôi nhà yêu quí mà mình vẫn còn nhớ từng góc cạnh, từng tiếng chào hàng trong khu chợ Bến Thành, hay tiếng bóp kèn xe inh ỏi bất kể là có cần thiết hay không.


Đúng là bực thì có bực đấy. Nóng thì có nóng đấy. Đã vậy còn thấy được bao cảnh trái ngang trong cuộc sống. Nhưng nó vẫn có một cái gì đó rất quen thuộc, rất gần gũi và vì vậy cũng rất dễ làm mình quyến luyến như thể “tình cũ không rủ cũng đến”. Nếu một ngày nào đó, một nhà cầm quyền nào đó ở Việt Nam có đủ sự tự tin để cho những người như tôi trở về để giúp đất nước thì chắc chắn tôi sẽ trở về.

Tôi sẽ trở về mà không cần được đãi ngộ. Tôi cũng không cần họ xem tôi là “khúc ruột ngàn dặm” cần được tạo điều kiện để trở về như đã được lập đi lập lại nhiều lần từ chính cửa miệng của những nhân vật chóp bu trong Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Điều duy nhất mà tôi cần là họ sẽ không làm phiền đến tôi, sẽ không hạch hỏi tôi từ ngày này qua tháng nọ. Và cuối cùng là buộc tôi phải rời khỏi Việt Nam mà không có bất kỳ một quyết định chính thức nào bằng văn bản. Hoặc cho tôi biết tại sao tôi bị cấm không cho xuất cảnh trong suốt khoảng thời gian ấy.

Thế mới tức. Vậy mới có chuyện để tuần sau kể tiếp cho các bạn nghe. Về ngày nãy, ngày nay ở Việt Nam rất dễ thương của chúng ta (nhưng thương hoàn toàn không dễ!).