Trung Quốc bị cô lập thêm sau khi Nhật Bản tham gia đàm phán TPP

  • Scott Stearns

Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe nói về Hiệp định Thưong mại xuyên Thái bình dương tại một cuộc họp báo

Nhật Bản sẽ tham gia cuộc đàm phán đang tiếp diễn giữa Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Australia, New Zealand, Chile, Peru, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Singapore

Việc Nhật Bản quyết định tham gia cuộc đàm phán thương mại đang tiếp diễn giữa Á châu và Mỹ châu khiến cho Trung Quốc trở thành nước duy nhất có nền kinh tế lớn nằm ngoài hiệp ước nới rộng thị trường này.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng hiệp định thương mại Xuyên Thái bình dương, gọi tắt là TPP, là một khung sườn cho sự thịnh vượng của khu vực Á châu Thái bình dương trong tương lai.

Nhà lãnh đạo Nhật nói rằng sự tham gia của Nhật không phải chỉ phù hợp với lợi ích của nền kinh tế Nhật mà còn có lợi cho những nỗ lực của Nhật Bản cùng với các nước đồng minh và Hoa Kỳ nhằm thành lập một khu vực kinh tế mới.

Nhật Bản sẽ tham gia cuộc đàm phán đang tiếp diễn giữa Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Australia, New Zealand, Chile, Peru, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Singapore.

Sự vắng mặt được chú ý nhiều nhất trong nhóm vừa kể là Trung Quốc, là nước vốn đã quan tâm trước sự nới rộng ảnh hưởng thương mại, ngoại giao và quân sự của Mỹ trong khu vực.

Washington hiểu rõ các mối quan tâm của Bắc Kinh và đang ra sức trình bày hiệp định TPP như một thỏa thuận thương mại. Đó là nhận xét của ông Justin Logan, một nhà phân tích của Viện Cato ở Washington. Nhưng ông nói thêm như sau:

"Nó cũng liên quan rất nhiều tới vấn đề tái cân bằng. Nó liên quan rất nhiều tới vấn đề Trung Quốc. Nó liên quan rất nhiều tới việc lập ra một nhóm các nước có thể họp lại với nhau và bàn thảo với nhau và có những nhận thức chung về những vấn đề khó khăn chung."

Giáo sư Pek Hoon Heng của Đại học American University ở Washington cho biết một những vấn đề khó khăn chung là vấn đề ở Biển Nam Trung Hoa, nơi mà Việt Nam, Brunei và Malaysia có những yêu sách chủ quyền chồng chéo nhau với Trung Quốc. Ông nhận định:

"Khi chúng ta ký kết các hiệp định thương mại, nhiều lúc nó không phải là vì vấn đề thương mại. Nó nhắm tới mục tiêu xây dựng quan hệ hợp tác chính trị. Vì vậy Việt Nam xem TPP phục vụ cả hai mục tiêu và đặt người Mỹ bên cạnh người Việt để ứng phó với Trung Quốc."

Giáo sư Heng cho rằng cuộc đàm phán thương mại này góp phần làm dịu bớt sự lo ngại đối với chiến lược mới của Mỹ thường được gọi là “trục xoáy” Á châu. Ông nói:

"Có sự lo ngại là chiến lược trục xoáy chú trọng quá nhiều tới khía cạnh quân sự của những điều mà Hoa Kỳ muốn làm. Và vì thế cho nên TPP là một khía cạnh cần thiết, rất đáng hoan nghênh và rất quan trọng của chiến lược tái cân bằng."

Các giới chức Hoa Kỳ nói rằng họ sẵn sàng hoan nghênh Trung Quốc tham gia hiệp định thương mại TPP nếu Bắc Kinh thỏa mãn những đòi hỏi về chính trị và kinh tế.

Nhưng Trung Quốc lúc này lại có xu thế hướng nội, theo nhận định của ông Calman Cohen, một nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ:

"Trung Quốc dường như đang khép kín nền kinh tế của họ thay vì mở cửa thêm nền kinh tế của họ."

Ông Cohen cho rằng những chương trình trợ giá của Trung Quốc gây cản trở cho mục tiêu phát triển thương mại:

"Nếu không có một sự đảo ngược đường lối ở Trung Quốc, họ sẽ không có được mức độ đầu tư mà họ đã có trong những năm qua, và quí vị sẽ thấy các công ty trên khắp thế giới xem xét tới vấn đề là phải chăng họ nên đặt trọng tâm nhiều như vậy vào thị trường Trung Quốc."

Tuy nhiên, những mối quan tâm trong nước cũng là một thách đố lớn cho nỗ lực của Thủ tướng Abe để gia nhập TPP, trong lúc ông chuẩn bị giảm bớt những sự bảo vệ dành cho các công ty Nhật trong hai khu vực nông nghiệp và dệt may.