Trung Quốc v. Na Uy

Ông Lưu Hiểu Ba đang thụ án tù 11 năm trong một nhà tù ở Trung Quốc

Như đã hứa, tuần này tôi định blog về chuyến đi New York vừa rồi. Cũng có nhiều chuyện để kể. Nhưng sáng hôm nay vừa lên mạng lướt được vài phút là tôi đã nhận được tin động trời. Mà đấy là tin động trời vui chứ không phải là buồn mới đáng nói. Đó là việc Giáo Sư Lưu Hiểu Ba, người hiện đang nằm tù ở Trung Quốc vì tội phản động chống nhà nước nhân dân, vừa được trao giải Nobel Hòa bình năm 2010 sáng nay ở Na Uy.
Thật là một tin đáng mừng cho cả thế giới đón nhận. Thiệt là một tin đáng được loan báo cho tất cả mọi người Việt Nam cùng biết để nhận thức được đâu mới là chân lý của vấn đề!

Tôi vội lên facebook và post ngay bài viết nhận định của báo New York Times về cái tin nóng hổi này. Ngay sau đó tôi cũng lướt đọc qua một số tin nhắn xa gần của gần 5000 người bạn trên trang facebook của tôi.
Và các bạn biết gì không? Có ít nhất là 6 đứa bạn ở trên khắp thế giới cũng vừa post lên những tin tức tương tự. Từ Anh sang Mỹ. Từ Úc về thẳng tới Việt Nam.

Yeap. Trên trang facebook của Mẹ Nấm ghi những hàng chữ như sau: “Năm 2009, người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt nam, bà Nguyễn Phương Nga, cho biết: với việc Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Barack Obama được Ủy ban giải Nobel Na Uy quyết định trao giải Nobel Hòa bình 2009, chúng tôi hy vọng Tổng thống Obama sẽ đóng góp tích cực vào việc bảo vệ hòa bình – mục tiêu của giải thưởng này….. Năm nay 2010, không biết bả sẽ nói gì ta???” Ừ. Chính tôi cũng muốn biết tiếng nói đại diện cho CHXHCN Việt Nam sẽ nói gì.

Nhưng tôi chưa kịp đoán thì đã có ít nhất 15 người bạn của Mẹ Nấm dơ tay xin đoán trước. Mà những người này phần đông đều đang ở Việt Nam đấy nhé. Người thì đoán… “Bố bả cũng không dám nói gì!”.

Kẻ khác lạc quan hơn nên bình luận: “Năm nay đổi mới tư duy, bà í sẽ nói ‘sao nước mình cũng có người như Lưu Hiểu Ba mà sao không trao giải cho nước mình nhỉ?’”.

Nhưng có lẽ câu tôi thích nhất vẫn là của một bạn lấy tên Duy Ngọc. Anh ta bảo: “Chị í sẽ tức giận đập bàn tuyên bố ‘việc này sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ VN – Na Uy’”.

Thiệt tình! Tếu hết chỗ nói.

Nhưng cũng có thể là chỉ có chúng ta mới thấy tếu. Vì ở bên Tàu hiện nay việc này không tếu chút nào. Các vị đại lãnh tụ của nhân dân Trung Hoa đang nóng giận run cả người. Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc sáng nay vừa ra tuyên bố lên án Ủy ban Giải Nobel đã “không thực thi đúng tôn chỉ hòa bình của giải” khi quyết định trao cho một “tội phạm đã bị tòa án xét xử đúng theo pháp luật”. Đại sứ Na Uy ở Bắc Kinh đã được mời tới để nhận văn bản phản đối chính thức. Đại sứ Trung Quốc ở Oslo cũng thân hành đến Bộ Ngoại Giao của Na Uy để phàn nàn. Họ tuyên bố chắc chắn việc trao giải sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ Trung Quốc - Na Uy.

Thật đúng là chuyện tiếu lâm. Và càng buồn cười hơn nữa đây không phải là những câu nói châm chọc giữa bạn bè được cho đăng lại trên facebook. Mà là những lời tuyên bố xanh rờn của một đại quốc vừa tự cho là mình đã trở thành một minh chủ trên thế giới.

Thế họ nghĩ họ biết rõ hơn Ủy ban giải Nobel về “tôn chỉ hòa bình” à? Hay là họ vẫn chưa biết Ủy ban giải Nobel hoàn toàn độc lập và chính phủ Na Uy không thể làm gì được Ủy ban bất kể là họ có thích hay không?

Ngạo mạn đến thế là cùng. Ngu đến thế cũng là cùng.

Họ không biết là cho dù họ mạnh cách mấy, đông dân cách mấy thì trong thời đại này, sức mạnh nằm ở con số thôi chưa đủ. Và điều kiện đầu tiên cần thiết nhất là chính danh. Sau đó ngôn mới thuận. Nếu so với trên 1.1 tỷ dân Trung Quốc thì với dân số chưa đến 5 triệu người, Na Uy không bằng 0.5% Trung Quốc. Chỉ có 5 thành viên nằm trong Ủy ban Giải Nobel Hòa bình và 7 nhân viên làm việc, chắc chắn con số này nếu ở Trung Quốc (hay ở Việt Nam) là một con số hoàn toàn không đáng để cho các đồng chí lãnh tụ để tâm hoặc kiêng nể.

Nhưng ở thế giới bên ngoài và nhất là trong thời đại này thì số lượng không thể nào so sánh được với chất lượng. Bởi vậy, chỉ trong cùng một ngày, hầu như tất cả những tên tuổi nổi tiếng nhất, có nhiều quyền lực nhất trên thế giới đều cùng ra thông báo ủng hộ sự lựa chọn của Uỷ ban. Từ những người đề cử ông như cựu tổng thống Séc Vaclav Havel, Hồng Y Desmond Tutu ở Nam Phi và Đức Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng cho đến đương kim thủ tướng Đức Angela Merkel và cách đây chỉ vài giờ, Tổng thống Obama khi ông ca ngợi sự hy sinh cao cả của ông Lưu Hiểu Ba và kêu gọi nhà cầm quyền Trung Quốc thả ông vô điều kiện.

Đối với tôi thế mới đáng được cho là hành động của một superpower trên thế giới. Không như các anh Tàu nhà ta thấy ai không đồng ý với mình là bắt bỏ ngay vào tù. Và khóc nhè, làm eo luôn tiện cấm con dân mình không được nghe, không được thấy những gì thế giới đang bàn tán xôn xao.

Còn lâu Trung Quốc mới lên làm bá chủ. Nhưng bá đạo thì chắc các bạn cũng thấy họ luôn sẵn sàng, ngay cả trong lúc này.

* Blog của Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.