Trung Quốc trả tự do để góa phụ Lưu Hiểu Ba sang Đức

Bà Lưu Hà, góa phụ của khôi nguyên giải Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba, cười khi tới sân bay Helsinki trên đường tới Đức sau khi được Trung Quốc thả tự do sau 8 năm bị quản thúc tại gia.

Bắc Kinh hôm 10/7 cho phép góa phụ của Lưu Hiểu Ba, người Trung Quốc được trao giải Nobel Hòa bình, được tự do để đến Berlin sau 8 năm bị quản thúc tại gia. Việc giam giữ này đã làm cho nhà thơ Lưu Hà bị trầm cảm và khiến dư luận quốc tế cực lực chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Bắc Kinh.

Việc thả tự do cho bà Hà, người chưa bao giờ bị cáo buộc bất cứ tội hình sự nào, là kết quả của nhiều năm vận động của các chính phủ phương Tây và các nhà hoạt động. Người phụ nữ 57 tuổi được thả tự do chỉ một ngày trước khi tròn một năm kỷ niệm ngày mất của nhà bất đồng chính kiến và là chồng bà, Lưu Hiểu Ba, người lúc đó đang thụ án tù giam vì tội “xúi giục chống phá nhà nước.”

Em trai của bà Lưu Hà, Lưu Huy, viết trên một trang truyền thông xã hội rằng: “Chị gái đã rời Bắc Kinh sang châu Âu vào buổi trưa để bắt đầu cuộc sống mới của chị. Cám ơn mọi người đã giúp đỡ và chăm sóc chị trong những năm qua. Tôi hy vọng từ nay trở đi cuộc sống của chị sẽ bình an và hạnh phúc.”

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hiện đang ở thăm Đức – quốc gia này hồi tháng 5 cho biết họ sẽ chào đón góa phụ của ông Lưu Hiểu Ba sau khi xuất hiện một đoạn ghi âm bà Hà khóc trong tuyệt vọng và mất hy vọng sẽ có thể rời khỏi Trung Quốc.

Những người bạn thân của bà Hà, Gao Yu, một cựu nhà báo ở Bắc Kinh và Wu Yangwei, được biết tới với bút danh Ye Du, nói rằng bà đã lên chuyến bay của hàng không Phần Lan Finnair để tới Berlin cất cánh vào sáng ngày 10/7. Ông Wu cho biết ông đã nói chuyện với người anh trai của bà Hà là Lưu Tong.

“Lưu Hà đã bị cách ly trong nhiều năm,” ông Wu nói qua điện thoại từ thành phố Quảng Châu ở miền nam Trung Quốc. “Tôi hy vọng rằng được tới một đất nước tự do sẽ làm cho Lưu Hà thoát khỏi những chấn động và những vết thương trong nhiều năm qua.”

Những người bạn này cho biết bà Hà muốn tới Đức vì ở đó bà có một nhóm bạn từng là những nhà bất đồng chính kiến và trong giới văn học của Trung Quốc.

Thủ tướng Angela Merkel thường xuyên gặp gỡ những nhà bất đồng chính kiến trong các chuyến thăm tới Trung Quốc, bao gồm một chuyến thăm vào tháng 5 vừa qua, và đã đưa trường hợp của bà Lưu Hà ra với các quan chức Trung Quốc, theo những người biết về vấn đề này cho biết.

Khi Lưu Hiểu Ba qua đời vì ung thư gan, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã thúc giục chính phủ Trung Quốc cho phép bà Lưu Hà và em trai của bà rời đất nước này để tới Đức.

Vào tháng 12/2009, Trung Quốc tuyên Lưu Hiểu Ba bản án 11 năm tù giam vì các cáo buộc kích động lật đổ quyền lực nhà nước sau khi ông tham gia viết một tuyên ngôn kêu gọi thay đổi chính trị và tự do hóa kinh tế.

Ngay sau khi Ủy ban Nobel trao giải Hòa bình cho Lưu Hiểu Ba vào năm 2010 và làm Bắc Kinh tức giận, các giới chức Trung Quốc đã quản thúc bà Lưu Hà tại nhà. An ninh canh giữ xung quanh nhà bà ở Bắc Kinh mọi lúc và hạn chế việc bà tiếp cận internet cũng như thế giới bên ngoài. Họ chỉ cho phép bà thỉnh thoảng gọi điện cho một số người bạn nhất định.

Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 10/7 nói rằng rằng bà Lưu Hà đã sang Đức và cho biết bà đi “chữa bệnh theo ý nguyện của bà.”