Tư lệnh cảnh sát quốc gia Indonesia bị nêu tên là nghi can tham nhũng

  • Kate Lamb

Chỉ vài ngày sau khi được Tổng thống Widodo đề cử làm Tư lệnh cảnh sát quốc gia, ông Budi Gunawan (phải, phía sau) bị nêu là nghi can trong một vụ tham nhũng.

Người duy nhất được Tổng thống Indonesia Joko Widodo chọn làm Tư lệnh cảnh sát quốc gia đã vấp phải trở ngại trong tuần này sau khi cơ quan chống tham những nêu danh ông là nghi can trong một vụ tham nhũng. Người được Tổng thống chọn đã nêu ra những thắc mắc về cam kết đối với quản trị trong sạch và tính độc lập chính trị. Từ Jakarta, thông tín viên VOA Kate Lamb gửi về bài tường thuật.

Chỉ vài ngày sau khi được Tổng thống đề cử làm Tư lệnh cảnh sát quốc gia, Ủy ban Bài trừ Tham nhũng đã nêu danh ông Budi Gunawan là một nghi can tham nhũng.

Vị tướng cảnh sát 3 sao này đang bị điều tra vì can dự vào việc hối lộ và nhận tiền thưởng vi phạm bộ luật về tham nhũng năm 1999, có thể bị tối đa 20 năm tù. Tuần này, ông Gunawan đã phủ nhận mọi cáo buộc tham nhũng và nói với các phóng viên rằng ông không có gì phải giấu giếm.

Tin ghi tài sản cá nhân của ông Gunawan lên tới hơn 1,3 triệu đôla trong 5 năm vừa qua – một món tiền không thể nào tích luỹ được chỉ với mức lương hợp pháp của cảnh sát Indonesia.

Theo cơ quan chống tham nhũng, Tổng thống Joko Widodo, đã được cảnh báo về ông Gunawan cách đây vài tháng khi ông yêu cầu cơ quan chống tham nhũng kiểm tra lý lịch những người được ông chọn vào Nội các.

Ông Ade Irawan, một nhà nghiên cứu của tổ chức Theo dõi Tham những Indonesia, nói rằng quyết định của tổng thống đề cử ông Gunawan mặc dầu biết rằng ông ta đang bị điều tra cho thấy tổng thống đã nhượng bộ, không còn giữ được tính độc lập nữa.

Theo cơ quan chống tham nhũng, Tổng thống Joko Widodo đã được cảnh báo về ông Gunawan cách đây vài tháng.

Theo ông Irawan, bất chấp sự ủng hộ của 90 triệu người Indonesia đã bỏ phiếu cho ông, quyết định của Tổng thống Jokowi đề cử vị tướng lãnh cảnh sát gây nhiều tranh cãi này cho thấy tổng thống đang khuất phục trước các áp lực chính trị quanh ông.

Phát ngôn viên của cơ quan chống tham nhũng kêu gọi tổng thống lập tức rút lại việc đề cử ông này, nhất là bởi vì kể từ khi thành lập năm 2002, cơ quan chống tham những đã duy trì được mức khả tín 100 phần trăm.

Tổng thống Widodo đã đề cử ông Gunawan hồi tuần trước làm ứng viên duy nhất thay thế cảnh sát trưởng đương nhiệm là Tướng Sutarman, dự kiến về hưu vào tháng 10.

Ông Gunawan là một nhân vật thân cận với bà Megawati Sukarnoputri, chủ tịch đảng Tranh đấu Dân chủ Indonesia, mà Tổng thống Widodo là một thành viên.

Được ca ngợi về cách thức thanh lọc chính quyền Jakarta trong thời kỳ làm thống đốc, nhiều người đã đặt kỳ vọng vào việc tân tổng thống có thể tôn trọng những lời hứa hẹn thúc đẩy tính minh bạch ở cấp bực toàn quốc.

Nhưng giới chỉ trích nói những cuộc bổ nhiệm mới đây của ông cho thấy Tổng thống Widodo đã trở thành một chính trị gia theo đường lối thoả hiệp.

Tháng 11 năm ngoái ông Widodo đã bị công kích vì bất ngờ chọn ông H.M. Prasetyo làm bộ trưởng tư pháp, một sự chọn lựa bị nhiều người coi là mang tính chính trị.

Ông Gunawan là một nhân vật thân cận với bà Megawati Sukarnoputri (phải), chủ tịch đảng Tranh đấu Dân chủ Indonesia, mà Tổng thống Widodo (trái) là một thành viên.

Ông Prasetyo từng là một thành viên của Nasdem, một đãng nằm trong liên minh của ông Jokowi, và đã đánh bại nhiếu ứng viên khác có lập trường chống tham nhũng mạnh hơn.

Ông Aleksius Jemadu, trưởng bộ môn khoa học chính trị tại trường Đại học Pelita Harapan ở Jakarta, cho biết ít ra ông có thể nói rằng quyết định gây nhiều tranh cãi gần đây nhất của tổng thống là ông “không phải là chính mình.”

Ông Jemadu nói: “Tôi nghĩ tổng thống đã tự đặt mình một cách không cần thiết vào một tình huống phức tạp có liên quan đến tính khả tín của ông trong tư cách là một nhà cải cách cổ suý cho quản trị tốt. Dân chúng Indonesia đã đặt quá nhiều hy vọng vào vị tổng thống này…Tôi nghĩ ít nhất ta có thể nói là ông Jokowi đã không phải là chính mình.”

Lực lượng cảnh sát Indonesia là một trong các cơ chế tham ô nhất trong một nước bị xếp hạng thứ 107 trong số 175 nước theo chỉ số tham nhũng của tổ chức Minh bạch Quốc tế năm 2014.