Tư lệnh Mỹ vùng Thái Bình Dương sắp rời chức?

Đô đốc Harry Harris Jr.,Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng Viện ngày 27/4/2017

Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, người nổi tiếng với quan điểm chỉ trích Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông, theo dự kiến sẽ rời chức vào năm tới. Tổng thống Donald Trump sẽ chỉ định người thay thế Đô đốc Harry Harris, một chức vụ quan trọng được Trung Quốc theo dõi chặt chẽ.

Đô đốc Harris do Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm, vào tháng 5 tới đây, sẽ chấm dứt nhiệm kỳ lãnh đạo Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ (PACOM) sau 3 năm, theo hai nguồn tin của Reuters. Hầu hết các tư lệnh PACOM phục vụ trong 3 năm, dù nhiệm kỳ của họ không có giới hạn.

Một giới chức Mỹ cho biết dù thời điểm có thể là như vậy, nhưng tiến trình thay thế ông Harris vốn bắt đầu bằng sự đề cử lên Ủy ban Quân vụ Thượng viện hiện vẫn chưa bắt đầu.

Giới chức này nói với “Chuyện này chắc chắn chưa xảy ra. Tôi đoán có thể diễn ra vào mùa đông. Tuy nhiên, cũng còn tùy xem Tổng thống Trump và Tòa Bạch Ốc kiểm soát quân đội ‘chặt’ đến mức nào. Cho tới cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, mọi người đều biết là Hội đồng An ninh của Tòa Bạch Ốc không thể ‘kìm cương’ ông Harris,” giới chức vừa kể nhận định.

“Đây mới là tin đồn, chưa có quyết định nào được đưa ra liên hệ đến thời biểu chuyển tiếp quyền hành sang vị Tư lệnh kế tiếp,” trưởng phát ngôn của PACOM, Đại tá Darryn James, cho biết.

Đại tá James nói: “Thông thường việc chuyển tiếp các tư lệnh chiến đấu là mỗi 3 năm, và vì Đô đốc Harris nhậm chức Tư lệnh PACOM vào tháng 5 năm 2015, người ta đoán nhiệm kỳ của ông sẽ chấm dứt vào tháng 5 năm 2018.”

Một vài nguồn tin Mỹ nói việc ra đi của ông Harris là một phần của việc luân chuyển cấp chỉ huy.

Nếu ông Trump theo gương của ông Obama, ông sẽ đề cử người thay thế vào khoảng tháng 9 để được Thượng viện chuẩn nhận vào cuối năm nay.

Những bàn cãi diễn ra trong lúc ông Trump đang ‘ve vãn’ Trung Quốc làm áp lực để Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và phi đạn của nước này.

Đô đốc Harris khiến Trung Quốc nổi giận cách đây hai năm khi tuyên bố việc xây dựng các đảo nhân tạo tại Biển Đông là một “vạn lý trường thành bằng cát”.

Đáp lại, Bắc Kinh, thông qua Đại sứ Thôi Thiên Khải tại Mỹ, từng yêu cầu Washington cách chức ông Harris.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói bình luận của ông Harris là “không đúng sự thật và không đáng để phản hồi”.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc thậm chí còn dùng đến nguồn gốc Nhật Bản của ông Harris để diễn giải động lực ‘diều hâu’ của ông.

Thân mẫu ông Harris là người Nhật và cha của ông là trung sĩ nhất hải quân trú đóng tại Yokosuka, Nhật Bản.

Vào tháng 2 năm 2016, một bài bình luận trên Tân Hoa Xã viết rằng “không thể đơn giản làm ngơ dòng máu của Đô đốc Harris, lý lịch, khuynh hướng chính trị và những giá trị” để hiểu được “sự công kích bất thường và nâng cấp của Mỹ tại Biển Đông.”

Việc chỉ định người kế nhiệm ông Harris sẽ được các đồng minh châu Á của Washington theo dõi chặt chẽ.

Những nguồn tin Mỹ nói người có thể thay thế ông Harris là Đô đốc Scott Swift, cũng là người ủng hộ mạnh mẽ tự do hàng hải tại Biển Đông và các nơi khác. Đô đốc Swift là người đã thúc đẩy Đệ Tam Hạm đội có vai trò lớn hơn tại châu Á.

Những ứng viên khác bao gồm Đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh Bộ Chỉ huy các Lực lượng Hạm đội Mỹ và Đô đốc Bill Moran, Tư lệnh phó Hải quân Mỹ.

Ông Harris đã phải củng cố liên minh Mỹ tại châu Á giữa những quan ngại rằng quyết định của ông Trump rút khỏi Hiệp ước mậu dịch Đối tác Xuyên Thái Bình Dương và hiệp ước khí hậu Paris có thể là dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ trút bỏ vai trò toàn cầu.

“Sự lãnh đạo của Mỹ quan trọng to lớn đối với các đồng minh, các đối tác và ngay cả các đối thủ của chúng ta tại vùng Ấn Độ-châu Á-Thái Bình Dương,” Đô đốc Harris nói với Reuters.