Tư lệnh Quân đội Thái được chọn làm Thủ tướng

Tư lệnh quân đội Prayuth Chan-ocha duyệt hàng quân danh dự tại Chonburi, ngày 21/8/2014. Tướng Chan-ocha đã được bầu chọn làm thủ tướng mới của Thái Lan.

Tư lệnh quân đội Thái Lan Prayuth Chan-ocha, người đã lật đổ chính phủ dân sự Thái Lan cách đây 3 tháng đã được chọn làm thủ tướng của vương quốc này. Tướng Prayuth Chan-ocha là ứng viên duy nhất được đề cử vào chức vụ này. Từ Bangkok, thông tín viên VOA Steve Herman gửi về bài tường thuật sau đây.

Một viện lập pháp được chọn sẵn đầy các sĩ quan quân đội hôm nay đã tổ chức một cuộc biểu quyết để chọn ra thủ tướng.

Từng người một, tất cả các nhà lập pháp đã được xướng đích danh. Họ đứng lên và lên tiếtn ủng hộ việc đề cử ứng viên duy nhất, tư lệnh quân đội Prayuth Chan-ocha.

Vài phút sau, sau khi 191 nhà lập pháp bỏ phiếu, chủ tịch nghị viện, ông Pompetch Wichitcholchai đã công bố “thủ tướng được bầu Tướng Prayuth Chan-ocha” được chấp thuận và đề nghị để nhà vua phê chuẩn. Việc phê chuẩn của Quốc vương Bhumibol Adulyadej 86 tuổi đau yếu được coi là chỉ có tính hình thức.

Tướng Prayuth Chan-ocha đã không dự phiên họp của viện lập pháp. Ông đã có mặt tại một căn cứ quân sự để dự một buổi lễ đánh dấu kỷ niệm thành lập một đơn vị lục quân.

Việc chỉ trích tiến trình độc tài chọn ra một người lãnh đạo mới cho chính phủ bị ém nhẹm ở Thái Lan. Quân luật vẫn còn có hiệu lực. Không được phép biểu tình công khai. Truyền thông trong nước hoạt động dưới sự soi mói của quân đội.

Nhưng giới chỉ trích Thái Lan ở nước ngoài, một số nay bị coi là đang bị tập đoàn quân nhân truy nã, cũng như các bình luận gia vô danh trên mạng truyền thông xã hội đang lên án tiến trình đó. Một số đưa ra những so sánh khôi hài giữa cơ chế chính quyền hiện hành ở Thái Lan với Bắc Triều Tiên, nơi quy luật luôn luôn là một chính đảng độc nhất và một viện lập pháp chỉ biết chuẩn thuận.

Một phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cưu Ðông Nam Á của trường Ðại học Kyoto, ông Pavin Chachavalpongpun nói một sự so sánh như thế phải được coi là nghiêm túc.

“Tôi không cho rằng đấy là một sự bỡn cợt. Có quá nhiều điểm có thể so sánh giữa hai nước, nhầt là một hình thức vô lý về chính trị, dân chúng sống bằng trí tưởng tượng chính trị. Một sự kiện quá tốt đẹp không thể có thực được. Quá siêu thực.”

Tướng Prayuth đã lật đổ chính phủ hôm 22/5, viện dẫn đó là điều cần thiết để chấm dứt tình trạng rối loạn chính trị.

Tướng Prayuth đã lật đổ chính phủ hôm 22 tháng 5, viện lẽ đó là điều cần thiết để chấm dứt tình trạng rối loạn chính trị tiếp theo 6 tháng đấu đá và đôi khi là những vụ biểu tình gây chết chóc ngoài đường phố.

Tư lệnh quân đội đã từng loan báo một kế hoạch toàn diện để cải tổ chính trường Thái và “đem hạnh phúc trở lại cho dân chúng.” Một sĩ quan quân đội thuộc tập đoàn cầm quyền, với tên gọi chính thức là Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia, nói với đài VOA ngay sau cuộc đảo chính rằng một trong các mục tiêu chính của Hội đồng là xóa bỏ vĩnh viễn ảnh hưởng của ông Thaksin Shinwatra, người đã bị lật đổ khỏi chức thủ tướng trong một cuộc đảo chính năm 2006. Các đảng phái mà ông hậu thuẫn đã thắng trong mọi cuộc tổng tuyển cử kể từ năm 2001.

Vị tướng và nay là thủ tướng tân cử Prayuth dự kiến sẽ thôi giữ chức tư lệnh quân đội vào tháng tới khi ông 60 tuổi. Ông đã hứa sẽ tổ chức tổng tuyển cử sau khi cải cách chính trị, một tiến trình mà ông nói sẽ phải mất ít nhất 1 năm để hoàn tất.

Ông Pavin làm việc ở Nhật bản và hộ chiếu Thái đã bị tập đoàn quân nhân Thái thu hồi vì không trở về nước để bị thẩm vấn. Ông nói tư lệnh quân đội vẫn nuôi hoài bão được giữ chức thủ tướng.

“Ðây không phải là vấn đề trao trả quyền lực cho nhân dân Thái. Ðây không phải là vấn đề cải tổ chính sự Thái. Không phải là vấn đề tìm cách định ra ngày tháng cho cuộc bầu cử. Mà thực ra nó nằm trong khuôn khổ thiết lập quyền lực của quân đội trong chính trường nhằm mục đích bảo đảm là họ có thể đưa ra một cơ chế chính trị dưới một hình thức nhắm ngăn chặn những người thay thế ông Thaksin trở lại chính quyền.”

Kể từ sau cuộc đảo chính, Tướng Prayuth đã xuất hiện trong bộ đồng phục, hàng tuần phát biểu dài dòng trước quốc dân trên truyền hình, bàn về nhiều vấn đề. Không có đề tài nào tỏ ra là quá nhỏ để người đứng đầu tập đoàn cầm quyền nêu ra. Ông đã nói về sự cần thiết phải làm sạch các cống rãnh và đã khiển trách các tài xế taxi bắt du khách trả quá giá quy định.

Các chính phủ dân sự Thái Lan, kể từ khi chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế vào năm 1932, thường bị các tướng lãnh lật đỗ.

Ðại sứ quán Hoa Kỳ ở Bangkok cho biết đã “ghi nhận” về diễn biến mới nhất và Hoa Kỳ hy vọng đó là “một bước trong tiến trình dẫn đến một chính phủ dân sự được bầu ra một cách tự do và công bằng.”

Cuộc đảo chính của Tướng Prayuth đã bị nhiều chính phủ Tây phương lên án.

Thông cáo của Sứ quán được chuyển đi bằng email nói thêm rằng “chúng tôi kêu gọi chính phủ lâm thời, một khi được thành lập, thiết đặt ra một tiến trình cải cách thực sự bao gồm mọi thành phần, phản ánh sự đa dạng rộng rãi của mọi quan điểm trong nước. Chúng tôi vẫn quan ngại về những hạn chế liên tục về tự do phát biểu và hội họp. Chúng tôi kêu gọi thủ tướng và nội các lâm thời chấm dứt các hạn chế về tự do phát biểu và hội họp, cũng như bãi bỏ quân luật và các hạn chế đối với báo chí.”

Cuộc đảo chính của Tướng Prayuth đã bị nhiều chính phủ Tây phương lên án. Tình trạng rối loạn trong nước dường như đã có một tác động đối với nền kinh tế Thái Lan, nền kinh tế lớn thứ nhì ở Ðông Nam Á, đã bị co cụm trong quý đầu năm nay. Là một điểm nghỉ mát được ưa chuộng, Thái Lan đã phải hứng chịu một sự sụt giảm 10 phần trăm về số du khách nước ngoài trong năm nay. Nhưng nhiều người Thái nói họ cảm thấy an toàn hơn nay khi cuộc đảo chính đẫm máu chấm dứt các cuộc biểu tình đôi khi trở thành bạo động.