Hội nghị Tunis nhắm làm áp lực với Tổng thống Syria về viện trợ, thay đổi chính trị

  • Al Pessin

Ngoại trưởng Clinton nói công luận Ả Rập sẽ không hài lòng khi nhìn thấy 2 quốc gia, một nước vì lý do thương mại, còn nước kia vì các lý do chủ thuyết, hỗ trợ một chế độ thách thức mọi luật lệ, nguyên tắc quốc tế thời nay

Các đại diện của hơn 70 quốc gia và tổ chức đang tề tựu bên ngoài thủ đô Tunis của Tunisia để dự một hội nghị trong ngày hôm nay nhằm ủng hộ cho phe đối lập ở Syria. Theo tường thuật của thông tín viên đài VOA Al Pessin từ địa điểm hội nghị, vấn đề đưa viện trợ đến cho thường dân bị kẹt trong các cuộc bạo động ở Syria sẽ được xếp cao trong nghị trình thảo luận.

Các giới chức tề tựu để dự cuộc họp đầu tiên của nhóm nay mang tên là "Bạn bè của Nhân dân Syria" – một phong trào đã đi vào hoạt động để đáp lại việc Nga và Trung Quốc phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án chính phủ Syria.

Nhóm này không có được thẩm quyền của Hội đồng Bảo an, nhưng hy vọng sẽ sử dụng một sự phối hợp giữa áp lực và khuyến dụ để thuyết phục Tổng thống Bashar al-Assad của Syria cho phép viện trợ nhân đạo và đồng ý chấm dứt 30 năm độc quyền của gia đình ông.

Đó sẽ là một nhiệm vụ khó khăn. Ông Assad đã thách thức Liên đoàn Ả Rập, là khối góp phần lãnh đạo phong trào, và Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, và tăng cường chiến dịch quân sự nhắm vào giới hoạt động đòi dân chủ mà theo các nguồn tin không chính thức đã giết hại hàng ngàn thường dân.

Trên đường đến dự cuộc họp ở Tunis, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton hôm qua tuyên bố hội nghị sẽ phản ánh sự đồng thuận của quốc tế về sự cần thiết phải thay đổi ở Syria, và tỏ ý hy vọng hội nghị sẽ gây đủ áp lực đối với nhà lãnh đạo Syria để thuyết phục ông ta thay đổi.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói: “Chúng tôi chứng kiến rất nhiều diễn biến mà chúng tôi nghĩ cho thấy áp lực đối với ông Assad. Chúng tôi hy vọng áp lực đó sẽ khiến ông ta phải thực hiện quyết định đúng đắn về viện trợ nhân đạo. Nhưng trong trường hợp ông ta tiếp tục từ chối, chúng tôi nghĩ rằng áp lực sẽ tiếp tục tăng. Đó là một tình huống khó đoán trước được. Nhưng nếu tôi phải đánh cuộc về mặt trung hạn và đương nhiên là về mặt dài hạn, thì tôi sẽ đánh cuộc phần thua về phía ông Assad.”

Một giới chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cùng đi với Ngoại trưởng đến dự hội nghị nói với các phóng viên rằng các tham dự viên sẽ công bố một lời thách thức Tổng thống Assad đòi ông ta cho phép viện trợ quốc tế đến những khu vực mà quân đội của ông đã cắt đứt với thế giới bên ngoài trong khi cư dân hàng ngày phải chịu đựng các cuộc tấn công bằng trọng pháo.

Giới chức không muốn nêu danh tính này nói hội nghị cũng sẽ bầy tỏ hậu thuẫn đối với một kế hoạch chuyển tiếp của Liên đoàn Ả Rập cho Syria, thay thế ông Assad bằng một Hội đồng và dẫn tới các cuộc bầu cử.

Ông nói kế hoạch này cũng mở rộng các quan hệ với nhóm đối lập chính là Hội đồng Quốc gia Syria, và sẽ mưu tìm các phương sách gia tăng áp lực lên chính phủ Syria qua các biện pháp chế tài có phối hợp và tập trung hơn.

Giới chức này không nói liệu cuộc họp có bàn về việc vũ trang cho lực lượng đối lập ở Syria tại các khu vực biên giới hay không. Nhưng ông cho biết cuộc họp có thể đồng ý cung cấp một số thiết bị thông tin liên lạc để chống lại việc chính phủ cắt đường dây điện thoại và các mạng lưới Internet.

Ông nói Ngoại trưởng Clinton đã thảo luận các biện pháp đó với các đối tác của bà ở London hôm qua bên lề một cuộc họp bàn về vụ khủng hoảng ở Somalia.

Bà Clinton nói hội nghị hôm nay nhắm mục đích một phần vào các nước chính ủng hộ Syria:

“Áp lực sẽ tăng đối với các nước như Nga và Trung Quốc bởi vì công luận thế giới sẽ không để yên. Công luận Ả Rập sẽ không hài lòng khi nhìn thấy hai quốc gia, một nước vì lý do thương mại, còn nước kia vì các lý do chủ thuyết, hỗ trợ cho một chế độ thách thức mọi luật lệ về nguyên tắc quốc tế thời nay.”

Các giới chức tỏ ý hy vọng một đường lối quốc tế thống nhất và một phong trào đối lập tận lực ở Syria sẽ thuyết phục Tổng thống Assad thay đổi các chính sách của ông ta.

Nhưng một số thành viên của phe đối lập nói các nước Tây phương và Ả Rập phải điều chỉnh đường lối, đưa Trung Quốc và Nga vào tiến trình, nếu họ muốn có cơ hội chấm dứt bạo lực và đạt được sự thay đổi chính trị ở Syria.