Người trẻ trong nước nghĩ gì về cộng đồng người Việt hải ngoại (phần 4)?

Một lễ tưởng niệm 30 tháng Tư tại Little Saigon, California.

Trong cuộc khảo sát vòng nhỏ với các nhà hoạt động tôi quen biết, tôi hỏi các bạn nghĩ gì về cộng đồng người Việt hải ngoại? Tôi đề nghị trả lời ngắn dài gì cũng được, nhưng điều cần nhất là sự trung thực.

Cụ thể hơn là: “Những gì người Việt hải ngoại làm trong 45 năm qua: đâu là điểm mạnh, tích cực? Đâu là điểm yếu, không cần thiết? Đâu là những điều cần thay đổi, cải tiến?”

Sau đây là các góp ý thẳng thắn của các bạn.

Biển Ngọc: “Điểm mạnh thứ nhất mà em thấy được là việc thông tin lại các sự kiện lịch sử, chính trị kinh tế xã hội của miền Nam Việt Nam - điều mà những thế hệ sau 1975 không được biết. Nó quan trọng vì chính tất cả thông tin đó cho thấy sự thật về một thể chế có nền tảng khá tốt đã từng tồn tại trong lịch sử. Tự nó, sự thật làm dấy lên trong con người ta thao thức và hướng dẫn tới hành động.”…

Biển Ngọc chia sẻ thêm: “Bên cạnh đó, em nhận thấy có một vài điểm chưa được tích cực cho lắm trong cộng đồng yêu nước hải ngoại. Thứ nhất, thiếu sự thống nhất và sự hợp tác chung do ai cũng có cái tôi lớn luôn cho rằng chỉ có mình và nhóm của mình mới đúng. Thứ hai, chưa có cái nhìn đầy đủ về tình hình trong nước nhưng luôn chủ quan và thay vì hỗ trợ tích cực những người đấu tranh trong nước, một số thành viên của cộng đồng hải ngoại nhiều khi chỉ biết chê bai, coi thường và không hợp tác với người trong nước đủ và đúng cách. Thứ ba, hình như tất cả mọi người trong cũng như ngoài nước đang tập trung phần nhiều vào cái ngọn là muốn thay đổi thể chế liền mà quên mất cái gốc xây dựng con người. Nhiều tổ chức có tôn chỉ làm việc để xây dựng cái gốc đó nhưng khi vào việc lại cũng chưa tuột trên ngọn xuống được.

Nam Hải đã đóng góp các ý kiến về khía cạnh này như sau.

Điểm mạnh: Góp phần cùng người Việt đấu tranh trong nước mang câu chuyện Việt Nam ra thế giới; Thường xuyên có những hỗ trợ kịp thời cho các nhà hoạt động trong nước (chủ yếu về tài chính).

Chưa tốt: Nhiều hoạt động chỉ mang tính hình thức, chưa có chiều sâu và không thực tế. Gần như mọi hoạt động chỉ xoay quanh VNCH và “lá cờ”. Các hoạt động tiêu tốn không ít tài lực và vật lực nhưng chưa đóng góp hiệu quả cho phong trào trong nước, nếu không muốn nói là đóng góp không đáng kể. Ngoài ra, một số thành viên đấu tranh hải ngoại chưa hiểu rõ, hoặc gần như hoàn toàn không hiểu gì về tình hình thực tế tại Việt Nam nên còn mang suy nghĩ phiến diện, từ đó có tâm lí áp đặt với các nhà hoạt động trong nước. Thêm vào đó, một số thành viên hải ngoại có tâm lý chống Cộng cực đoan, xúi giục người hoạt động trong nước sử dụng bạo lực. Và họ cũng chưa thấu hiểu, thông cảm và bao dung được với các nhóm người Việt khác như: du học sinh từ trong nước ra nước ngoài học, các nhà hoạt động bí mật,

Nhưng để những việc trên mang lại hiệu quả cao nhất, nó cần được thực hiện một cách có tổ chức, bài bản và đồng bộ. Ví dụ: thành lập các quỹ bảo trợ chuyên xét duyệt hỗ trợ các dự án trong nước, thay vì tổ chức vận động quyên góp vất vả nhưng lại đem cho đi một cách có phần dễ dãi, không có mục đích rõ ràng, không đổi lại được hiệu quả đáng kể.

Thành lập các nhóm y bác sĩ chuyên tư vấn hỗ trợ việc chăm sóc sức khỏe thể chất/tâm lý cho các nhà hoạt động trong nước: có thể tư vấn từ xa về việc chăm sóc vết thương sau khi bị đánh đập (vì hầu hết người bị công an đánh đập không dám đến các cơ sở y tế để điều trị), đặc biệt là tư vấn hồi phục tâm lý cho các nhà hoạt động – những người thường xuyên bị khủng bố bởi công an, an ninh… (các đối tượng cần giúp đỡ đặc biệt nhiều khi Việt Nam nổ ra các cuộc biểu tình và hậu biểu tình)

Nhất Tâm: “Điểm tích cực của người Việt Hải Ngoại là hỗ trợ rất tốt phong trào trong nước về nguồn lực tri thức và tài chính. Tuy nhiên vì không sống ở trong nước và cảm nhận sự chuyển động xã hội và con người bên trong như thế nào, thường chỉ thấy sự việc qua thông tin trên mạng nên khó nhận định vấn đề đầy đủ. Do đó mà một số sự kêu gọi thường vội vàng và không đúng với tâm lý phần đông người dân quốc nội. Nên thay tâm thế truyền thông “chống cộng” bằng một đường hướng mới, một tương lai hậu cộng sản như thế nào!.

Nhật Nguyệt: “Với người Việt hải ngoại em thực chất em không hiểu rõ, nên chỉ nhận xét sơ sơ:

Điểm tích cực: Giữ lại được những nét văn hóa và tài liệu cũ của Việt Nam; phổ biến rộng rãi văn hóa Việt Nam trên thế giới; có những tấm gương thành công của người Việt, giúp cho người trong nước biết được giá trị của người Việt Nam.

Điểm tiêu cực: Nhiều người chửi cộng sản nhưng không đưa một giải pháp gì; tiếc thương chế độ cũ quá mức trong khi thực chất không quan tâm người Việt trong nước; nhiều người coi mình là người Úc, Mỹ, Pháp... rồi quên đi nguồn gốc; nhiều doanh nhân lại về Việt Nam bắt tay với chính quyền.

Điều cần cải tiến: Em hy vọng sẽ có nhiều người thành công ở hải ngoại sẽ lên tiếng về vấn đề Việt Nam.

Trương Thị Hà: Đã chia sẻ cách nhìn của Hà trong bài viết về 30 tháng Tư năm 2019.

Dương Ngọc: “Có một điều mà em luôn cảm thấy cảm kích đó là, những người Việt Nam ở hải ngoại vẫn luôn hướng về Việt Nam, hướng về những người đồng bào trong nước, vẫn luôn mong chờ ngày trở về quê hương và mong mỏi Việt Nam có dân chủ thực sự.

Điểm yếu: Sử dụng cờ vàng trong đấu tranh dân chủ. Hầu hết những người dân trong nước đã bị tẩy não bởi giáo dục hoặc do nhiều nguyên nhân khác nhau. Họ ít hiểu rõ cũng như có kiến thức sai lệnh về lịch sử. Em không có ý kiến về việc mọi người sử dụng hay tôn thờ một lá cờ nào cả. Tuy nhiên, nếu dùng cờ vàng đem vào đấu tranh sẽ gây ra tâm lý e ngại cho người dân trong nước và không được sự ủng hộ của đa số họ. Nhất là của những người chỉ đơn thuần muốn đấu tranh cho nền dân chủ, họ không muốn bàn đến cờ đỏ cờ vàng, ít nhiều họ sẽ có những e ngại để từ chối bước vào phong trào. Bên cạnh đó, việc cờ vàng bị đảng cộng sản Việt Nam quy chụp là phản động, khủng bố, theo Mỹ cũng khiến người dân trong nước lo sợ và xa lánh.

Tựu chung những nhà hoạt động tích cực như các bạn này đã tìm hiểu, tiếp xúc, và có thông tin nhiều chiều. Các bạn cũng tận mắt chứng kiến phần nào các hoạt động của người Việt hải ngoại khi có dịp ra nước ngoài. Quan trọng hơn hết, các bạn thừa biết rằng những thông tin từ truyền thông chính mạch trong nước đối với người Việt hải ngoại là toàn tuyên truyền nên các bạn đã cân nhắc trước khi trả lời.

Các trả lời thẳng thắn trên đây cho thấy một số nhà hoạt động trong nước ghi nhận vai trò và đóng góp rất lớn của người Việt hải ngoại. Bên cạnh đó đa số các bạn Họ nghĩ rằng người Việt hải ngoại chưa nắm rõ được tình hình trong nước và tâm lý người dân. Người Việt hải ngoại vẫn còn chủ quan, thường hoài niệm về quá khứ quá nhiều như VNCH và “cờ vàng” v.v…, hơn là những gì thiết thực đóng góp cho phong trào đấu tranh mang tính đường dài và có viễn kiến. Họ cũng mong rằng người Việt hải ngoại tìm tìm ra được các phương thức mới, sáng tạo, thích hợp và hiệu quả trong tình hình thay đổi rất nhanh tại Việt Nam so với các thập niên trước.

Bài tiếp theo, tôi sẽ trình bày giới trẻ trong nước nghĩ gì về hiện tình đất nước hôm nay.