Tổ chức OECD: Tỷ lệ thất nghiệp cao cho đến năm 2014

  • Lisa Bryant

Một người vô gia cư ngồi trước cửa một ngân hàng ở Paris.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, tứ OECD có trụ sở ở Paris nói tỷ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục cao tại các quốc gia Âu châu và các quốc gia phát triển khác trong năm tới, gây trì trệ cho sự phục hồi kinh tế và các triển vọng công ăn việc làm trong giới trẻ. Nhưng có một số điểm sáng trong bản phúc trình mới của OECD công bố hôm nay, theo bài tường thuật sau đây.

Trong bối cảnh hàng loạt tin tức kinh tế u ám tróng năm nay, bản phúc trình mới nhất về công ăn việc làm của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế có thể không gây nhiều ngạc nhiên. Nói chung, phúc trình dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ chỉ giảm đôi chút vào năm 2014 trong số 34 quốc gia thành viên của OECD, khiến khoảng 48 triệu người không có công ăn việc làm.

Tại một cuộc họp báo qua điện thoại từ Paris, Tổng thư ký OECD Angel Gurria mô tả tình hình thất nghiệp như một cuộc khủng hoảng - nhất là đối với những người trẻ tuổi ở các nước như Italia, Tây Ban Nha và Hy Lạp, nơi một nửa số thanh niên hoặc hơn nữa không có công ăn việc làm.

“Thực là không thể tưởng tượng được. Vấn đề thật to lớn. Ở một số nền kinh tế thị trường mới trỗi dậy, tỷ lệ thất nghiệp cũng cao; chẳng hạn như Nam Phi, con số là 50 phần trăm. Tại các nước khác, tính cách không chính thức trong thị trường lao động cũng buộc nhiều thanh niên phải làm mhững công việc đầy rủi ro mà không có sự bảo đảm của xã hội.”

Những người làm việc theo các hợp đồng ngắn hạn, không chắc chắn cũng sẽ phải đối mặt với thời buổi khó khăn trong năm tới.

Nhưng triển vọng công ăn việc làm không phải u tối đồng đều. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp chung của OECD dự trù chỉ giảm đôi chút vào năm 2014, từ 8 phần trăm xuống 7,8 phần trăm, Hoa Kỳ và Ðức sẽ chứng kiến những mức giảm nhiều hơn.

“Tỷ lệ thất nghiệp thật ra đã giảm, mặc dù từng bước, ở các nước như Hoa Kỳ, các nước như Mexico, Nhật Bản. Vả lại trong nội bộ các nước cũng có sự khác biệt đáng kể trong xu hướng tuyển dụng giữa các nhóm khác nhau.”

Chẳng hạn, công nhân lớn tuổi hơn đạt thành tích tốt hơn trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế so với những người trẻ tuổi hơn. Và theo ông Gurria, thị trường lao động và các cải cách khác được sự chấp thuận của một số các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất như Italia, Bồ Ðào Nha và Tây Ban Nha, đang đi theo đúng hướng, mặc dầu sẽ phải cần có thời gian để các biện pháp đó đem lại hiệu quả.

“Các nước có các vấn đề lớn nhất là các nước đang đạt thành quả tốt hơn về mặt điều chỉnh, lấy lại được tính cạnh tranh và năng suất.”

Ðiều vô lý là việc chi tiêu để giúp những nguời đi tìm việc cũng sụt giảm trong cuộc khủng hoảng, mà ông Gurria cho là một lỗi lầm.