Tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi giảm

  • Lisa Schlein

Trẻ em chờ để khám sức khỏe tại một trung tâm y tế trong làng Gbangbegouine, Côte d'Ivoire

Một phúc trình mới cho biết số trẻ em dưới 5 tuổi tử vong trên toàn cầu chỉ bằng gần một nửa so với cách đây 22 năm. Một báo cáo chung của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới cho thấy khoảng 6,6 triệu trẻ em tử vong trước sinh nhật thứ năm của các em năm 2012 so với 12 triệu trẻ em tử vong năm 1990. Thông tín viên Lisa Schlein tường trình cho đài VOA từ Geneva.

Phúc trình cho rằng tiến bộ trong việc giảm con số tử vong trẻ em là điều đáng chú ý. Tuy nhiên, phúc trình nói rằng điều đó vẫn còn chưa đủ. Phúc trình cho rằng phần lớn các ca tử vong trẻ em vẫn có thể ngăn ngừa, và rằng bằng cách áp dụng một số biện pháp đơn giản và phải chăng, thì có thể cứu được mạng sống của nhiều trẻ em hơn nữa.

Bà Elizabeth Mason là giám đốc bộ phận chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ em và thiếu niên của Tổ chức Y tế Thế giới. Bà cho biết 28 ngày đầu tiên của trẻ sơ sinh rất quan trọng đối với sự sống còn của một đứa trẻ. Bà nói rằng điều đó liên kết chặt chẽ tới sự chăm sóc mà người mẹ nhận được trong thời kỳ mang thai và quan trọng nhất là sự chăm sóc mà bà mẹ nhận được trong khi lâm bồn, sinh con và những giờ đầu tiên trong cuộc đời của trẻ sơ sinh. Bà nói:

“Chúng tôi đã có những giải pháp mới với chi phí thấp có thể giảm bớt số ca tử vong của những các trẻ sinh non tới ¾. Và các giải pháp đó bao gồm việc tiêm thuốc chống các loại bệnh trước khi bà mẹ lâm bồn sinh non, việc chăm sóc trẻ sơ sinh theo kiểu kangaroo mà các bé sơ sinh được cho vào một cái túi, nhưng theo kiểu cho cơ thể của trẻ và mẹ chạm vào nhau, để bé gần với ngực của người mẹ để bé được giữ ấm và có thể sớm bú sữa mẹ”.

Các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi bao gồm viêm phổi, sinh non, bị ngạt khi sinh, tiêu chảy và sốt rét. WHO cho biết, trên toàn cầu, khoảng 45% các ca tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi có liên quan đến việc thiếu dinh dưỡng.

Phúc trình cho biết khoảng một nửa trường hợp tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi chỉ xảy ra tại 5 quốc gia là Trung Quốc, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ấn Độ, Nigeria và Pakistan. Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng khu vực Hạ Sahara ở châu Phi là nơi có tỷ lệ tử vong trẻ em cao nhất thế giới với 98 trường hợp tử vong trên 1.000 trẻ sơ sinh.

Phúc trình nói rằng một bé sinh ra ở vùng Hạ Sahara có nguy cơ tử vong trước khi bước sang tuổi thứ 5 cao nhất 16 lần so với một trẻ sinh ra ở một quốc gia giàu có. Đồng thời, phúc trình cũng nói rằng tỷ lệ giảm số tử vong hàng năm đã tăng gấp bốn lần kể từ năm 1990.

Ông Mark Young, một cố vấn cao cấp về y tế tại Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, cho biết sự phát triển kinh tế tổng thể đã giúp giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em, tuy nhiên các nước nghèo nhưng lại có một chiến lược tốt vẫn có thể đạt được các kết quả khả quan.

Ông lấy dẫn chứng trường hợp Niger, một trong các quốc gia nghèo nhất ở Tây Phi. Ông nói rằng hai thập kỷ trước đây, Niger có tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi cao nhất thế giới. Nhưng nay tỷ lệ này đã giảm gần 2/3:

“Họ đạt được điều đó thông qua một loạt các sáng kiến có mục tiêu, có trọng tâm và do chính phủ chỉ đạo với sự hỗ trợ của UNICEF. Họ đã thiết lập một chính sách chăm sóc sức khỏe miễn phí cho phụ nữ và trẻ em, bãi bỏ phí và vì thế gia tăng khả năng tiếp cận tài chính. Họ mở rộng khả năng tiếp cận y tế bằng cách thiết lập một loạt các điểm chăm sóc y tế nông thôn do các nhân viên y tế cộng đồng đã được huấn luyện để chăm sóc sức khỏe cơ bản cho các trẻ sơ sinh và các bà mẹ mới sinh ở cấp độ ngoại vi. Họ thực hiện một loạt các chiến dịch đại chúng tích hợp nhằm cung cấp một gói chăm sóc y tế gồm các biện pháp can thiệp, phòng ngừa, có tác động lớn”.

Gói chăm sóc y tế bao gồm việc tiêm chủng trẻ em, vitamin A và màn được tẩm hóa chất để chống sốt rét. Ông Young nói rằng Niger cũng đã thiết lập một chương trình dinh dưỡng khẩn cấp để giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng trẻ em.

Phúc trình cũng đề cập tới các quốc gia hiện thực thi các biện pháp can thiệp để cứu mạng trẻ em.

Phúc trình nói Ethiopia, Kenya, Nigeria, Tanzania, Bangladesh và các bang ở Ấn Độ đang thực hiện các chiến lược nhằm giảm tỷ lệ tử vong trẻ em vì bệnh viêm phổi và tiêu chảy – hai căn bệnh khiến 2 triệu trẻ em tử vong mỗi năm.

Các biện pháp can thiệp này cung cấp thuốc kháng sinh và muối bù nước qua miệng cũng như cấp các loại vaccines mới để chống các bệnh đó và đảm bảo khả năng tiếp cận với nước uống an toàn và hợp vệ sinh.