Úc có tự do ngôn luận không?

Bản đồ xếp hạng tự do báo chí của Freedom House. Hình minh họa.

Tuần trước, nói chuyện với một người bạn, chị cho biết bạn của chồng chị vừa mới sang du lịch Úc. Một số hiện đang là đảng viên và giữ vai trò cao cấp trong chính quyền Việt Nam. Họ cho chị biết qua đây rồi nói chuyện chính trị sướng quá, thoải mái quá, phê bình ai cũng được. Ở Việt Nam họ có muốn nói cũng không dám!

Tự do ngôn luận tại Úc, nghe qua câu chuyện này, tưởng như thế là tuyệt vời rồi! Thế nhưng, cũng trong tuần qua, tự do ngôn luận có vẻ đang bị tấn công, thách thức.

Hơn tuần qua, giới truyền thông Úc đã đồng loạt mạnh mẽ lên tiếng phản đối cơ quan công quyền Úc về các vụ đột nhập khám xét hai cơ quan truyền thông lớn ABC và News Corp. Cơ quan công quyền ở đây chính là Cảnh sát Liên bang Úc AFP. Vụ khám xét đầu tiên xảy ra tại tư gia của ký giả Annika Smethurst thuộc News Corp vào thứ Ba 4 tháng Sáu. Vụ thứ hai xảy ra ngày hôm sau, thứ Tư 5 tháng Sáu, tại cơ quan truyền thông ABC.

Hai sự kiện này hiển nhiên xảy ra công khai. Thông cáo báo chí của AFP cho biết vụ ngày 4 tháng Sáu liên quan đến một cáo buộc về việc tiết lộ thông tin về an ninh quốc gia một cách trái phép, mà thông tin này được phân loại là mật, và vì như thế nên nó có khả năng phá hoại nền an ninh quốc gia. AFP cũng cho biết vụ ngày 5 tháng Sáu liên quan đến việc phổ biến tài liệu được phân loại, trái với quy định của Đạo luật Tội phạm 1914. Vụ thứ hai là do sự giới thiệu/đề nghị từ Bộ Quốc phòng Úc ngày 11 tháng Bảy năm 2017. AFP cho biết hai sự kiện này không liên quan với nhau, và AFP không dự trù bắt giam bất cứ ai khi tiến hành các vụ khám xét này. Sau khi bị phản đối dữ dội từ cộng đồng truyền thông, từ ký giả cho đến giới điều hành/lãnh đạo, cũng như các luật gia chuyên môn về tự do ngôn luận và truyền thông, AFP tung ra một thông cáo báo chí thứ hai vào chiều ngày 5 tháng Sáu, để minh định hầu rộng đường dư luận. AFP cho biết các hành động trên là do các cơ quan công quyền khác đề nghị, họ chỉ thi hành công vụ một cách độc lập và không thiên vị, và họ không nhận chỉ thị nào từ chính quyền đương nhiệm. Họ minh định các Bộ trưởng trách nhiệm trực tiếp hay Thủ tướng Úc cũng không được biết trước khi cuộc khám xét xảy ra. AFP biện minh rằng đây chỉ là một phần trong tiến trình điều tra để tìm hiểu làm sao các thông tin mật được tiết lộ, và khi các thông tin này lột vào tay một người khác, một ký giả hay một cơ quan truyền thông, thì những người này có được quyền phổ biến rộng rãi không, và nếu không thì họ đã phạm vào các quy định hay điều luật nào, v.v…

Dù lý do có chính đáng và lời giải thích có hợp lý bao nhiêu, cộng đồng truyền thông Úc, và nhiều nơi trên thế giới, cũng đồng loạt mạnh mẽ lên án hành động này.

Phát ngôn viên của News Corp cho rằng đây là hành động nguy hiểm nhằm gây hoang mang/lo sợ cho giới ký giả và các phòng thu thập tin tức khắp Úc bởi vì ký giả Annika Smethurst tiết lộ dự định tối mật của chính quyền cho phép giới tình báo mạng của Úc các quyền hạn chưa từng có trước đây. Tim Singleton Norton, Giám đốc của tổ chức Quan sát Quyền Điện tử (Digital Rights Watch) nhận định: “Đây là một sự lạm dụng thô bạo đối với quyền lực an ninh quốc gia - sử dụng nó để củng cố văn hóa bí mật và thiếu trách nhiệm trong guồng máy thực thi pháp luật của chúng ta.”

Trường hợp của ABC liên quan đến hai phóng viên Dan Oakes và Sam Clark, dựa trên các tài liệu mật được tiết lộ. Hai phóng viên đưa ra những cáo buộc về sự giết hại (thường dân, kể cả đàn ông và bé trai không vũ trang) bất hợp pháp và hành xử sai trái do quân đội đặc nhiệm của Úc gây ra tại Afghanistan. Liền sau đó Giám đốc Điều hành của ABC ông David Anderson nhận xét đây là trường hợp “rất bất thường để một cơ quan truyền thông quốc gia bị khám xét như thế này”. Ông Anderson nhận định rằng các biến chuyển như thế là rất nghiêm trọng, nó đưa ra các quan ngại chính đáng về tự do báo chí/truyền thông, và tác động đến sự giám sát nghiêm minh đối với các vấn đề an ninh quốc gia và quốc phòng. Ông Anderson thẳng thắn cho biết lập trường của ABC là đứng về phía các phóng viên, sẽ bảo vệ các nguồn tin của mình, và sẽ tiếp tục đưa tin tức và báo cáo mà không sợ hãi hoặc thiên vị về vấn đề an ninh và tình báo khi những điều đó mang lại lợi ích cho công dân. Đi xa hơn, Chủ tịch của Ban Điều hành ABC, bà Ita Buttrose, người được Thủ tướng Scott Morrison bổ nhiệm vào đầu năm nay, bày tỏ sự quan tâm sau xa sau hai cuộc khám xét trên. Bà Buttose cho rằng hành động này “rõ ràng được thiết kế để gây quan ngại” cho ABC và các phóng viên của mình. Bà Buttose cho biết bà đã gọi điện thoại bày tỏ quan điểm của mình với Bộ trưởng Truyền thông Úc Paul Fletcher vào thứ Năm ngày 6 tháng Sáu, một ngày sau vụ khám xét. Bà Buttrose cho biết “Một cơ quan truyền thông không bị can thiệp (tự do độc lập) là quan trọng đối với các diễn ngôn công cộng và với nền dân chủ. Đó là cách mà công dân Úc được thông báo về thế giới và tác động của nó đến cuộc sống hàng ngày của họ.”

Trong tuần qua, hàng trăm bản tin, bình luận và phân tích thuộc đủ mọi thể loại khác nhau trên mọi cơ quan truyền thông khác nhau đã không ngừng lên tiếng về sự kiện này. Các áp lực lên AFP nói riêng, cũng như các cơ quan công quyền và chính quyền về an ninh quốc phòng và các luật pháp cần phải điều chỉnh lại để bảo vệ ký giả và nguồn tin của họ, đã làm cho chính quyền không thể tiếp tục im tiếng trong việc này, dù có muốn. Bộ trưởng Truyền thông Fletcher rốt cuộc công bố chính thức quan điểm của ông rằng tự do báo chí/truyền thông là “nguyên tắc nền tảng” của chính quyền hiện nay. Trước đó, ông Morrison đồng ý tự do truyền thông là quan trọng nhưng ông cũng nhấn mạnh không ai được đứng trên pháp luật. Hôm qua 11 tháng Sáu, bà Buttrose và ông Anderson đã gặp Thủ tướng Morrison và Bộ trưởng Truyền thông Fletcher để đối thoại với nhau về sự kiện này. Bà Buttrose cho biết cuộc trao đổi này mang tính xây dựng và rất là hiệu quả.

Ông Fletcher và Thủ tướng Morrison đang chịu áp lực mở ra một cuộc điều tra về hai vụ khám xét vừa rồi, và làm thế nào để sửa đổi luật để bảo vệ ký giả khi họ đang thi hành công vụ để đưa thông tin quan trọng và cần thiết đến người dân, mà vẫn bảo vệ các nguồn tin và những người tố giác/thổi còi (whistleblower). Không thể sử dụng chiêu bài an ninh quốc gia để ngăn chặng thông tin, bởi vì người dân cần biết chính quyền đại diện họ làm đúng hay sai, và ưu tiên hàng đầu phải là người dân có quyền được biết đến các vấn đề của đất nước, trong đó truyền thông đóng vai trò quan yếu. Nếu luật hiện hành không đáp ứng được các nhu cầu cơ bản này thì nó cần phải sửa đổi, theo quan niệm của nhiều chuyên gia thuộc đủ mọi lĩnh vực khác nhau, kể cả về luật.

Sự cân bằng giữa tự do ngôn luận (đặc biệt được thể hiện qua truyền thông bằng những gì họ đưa tin, dù là tin mật đi nữa) và vấn đề an ninh quốc phòng (và tình báo để quyền lợi quốc gia không bị phá hoại) là vấn đề tinh vi, phức tạp và khó khăn, nhất là trong thời đại chính trị quyền lực/Chiến tranh Lạnh II, đang trở lại. Nhật báo The Age biện luận rằng các cơ quan truyền thông phải báo cáo về các vấn đề liên quan đến quyền lợi quốc gia, kể cả tình báo và giám sát, để thực thi trách nhiệm đối với người dân đã bầu lên người đại diện cho mình và có lòng tin với chính quyền; nhưng niềm tin đó không thể nào mù quáng. Còn trạng sư nhân quyền nổi tiếng của Úc ông Geoffrey Robertson bày tỏ quan ngại sâu xa đến sự vi phạm quyền tự do ngôn luận qua hai vụ khám xét này. Ông Robertson cho rằng khó thể nào nghĩ điều này có thể xảy ra tại Úc, một nền dân chủ tiên tiến hàng đầu mà phần lớn các quyền này được hiến pháp và pháp luật bảo vệ. Lý do là vì Úc, không giống các nền dân chủ cấp tiến khác, không có hiến chương nhân quyền, nên các quyền này không được ghi nhận trong hiến pháp. Ông Robertson đề nghị sửa đổi pháp luật, hoặc tốt hơn nữa, hình thành một Hiến chương Nhân quyền (Charter of Rights, or Bill of Rights) như đã được bảo vệ tại Hoa Kỳ, Anh, Âu châu. Như Tu chính Án 1 (đến 10) trong Hiến pháp của Hoa Kỳ.

Vấn đề này đã được giới tinh hoa của Úc bàn đi tán lại trong nhiều thập niên qua, nếu không phải là trước khi chính thức thành lập Liên bang Úc, năm 1901. Có người từng cho rằng nó không cần thiết vì tất cả mọi quyền này đã được công nhận trên thực tế. Quả thật là nó được công nhận và tôn trọng trên thực tế tại Úc, ngay cả những người Việt Nam chỉ mới tới Úc mấy ngày đã cảm nhận được ngay bầu không khí tự do, nhất là tự do ngôn luận. Nhưng nhiều chuyên gia về luật, như ông Robertson, hay giáo sư Gillian Triggs, cựu Chủ tịch của Ủy ban Nhân Quyền Úc, cho rằng Hiến chương Nhân quyền là cần thiết và cấp bách hơn bao giờ. Cần phải đưa vào luật rõ ràng, hoặc tốt hơn nữa, vào hiến pháp, thì mới có thể giảm thiểu những sự vi phạm nhân quyền như đã từng diễn ra. Như Tổng thống thứ nhì của Hoa Kỳ, ông John Adams, nói ngắn gọn nhưng đầy đủ: “Một chính quyền của pháp luật, không phải của con người” (A government of laws, and not of men).

Làm thế nào các quyền tự do căn bản của người Úc, nhất là tự do ngôn luận, phần lớn được tôn trọng trong hơn một thế kỷ qua, nhưng lại không nằm trong Hiến pháp và không có một Hiến chương Nhân quyền? Đây là đề tài cho một bài khác mà khi có dịp sẽ trở lại.