Ukraine hướng đến thượng đỉnh hòa bình có mặt Nga vào cuối năm, Moscow nói ‘bất khả thi’

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy (phải) phát biểu tại cuộc họp của Hiệp ước Ukraine bên lề hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập NATO tại Trung tâm Hội nghị Walter E. Washington ở Washington, DC, ngày 11/7/2024.

Ukraine đặt mục tiêu tổ chức một hội nghị thượng đỉnh hòa bình mới vào cuối năm nay và muốn Nga tham dự lần này, đại sứ của nước này tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hôm 9/10, nhưng loại trừ khả năng có bất kỳ cuộc đàm phán song phương trực tiếp nào với Moscow tại hội nghị.

Với cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine đã bước sang năm thứ ba, hai nước vẫn còn cách xa nhau về cách chấm dứt chiến tranh. Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Brazil và các nước khác đã đề nghị làm trung gian trong cuộc xung đột hoặc thảo luận về các đề xuất hòa bình, nhưng không có được tiến triển nào.

Ukraine đang theo đuổi "kế hoạch chiến thắng" của Tổng thống Volodymyr Zelenskyy, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết các cuộc đàm phán hòa bình chỉ có thể bắt đầu nếu Kyiv đồng ý từ bỏ các vùng lãnh thổ rộng lớn mà Moscow tuyên bố chủ quyền và từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO.

"Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của hội nghị thượng đỉnh này là đạt được một nền hòa bình công bằng ở Ukraine. Chúng tôi không nói về một phương thức mà trong đó Ukraine và Nga ngồi đối diện nhau và Ukraine lắng nghe các yêu cầu của Nga", Đại sứ Vasyl Bodnar phát biểu trong một cuộc họp báo tại Ankara, thông qua một phiên dịch viên người Thổ Nhĩ Kỳ.

"Những gì chúng ta thấy bây giờ là: cộng đồng quốc tế, cùng với Ukraine, sẽ ngồi lại và lập một danh sách về các bước có thể thực hiện để có được một nền hòa bình công bằng ở Ukraine, và họ sẽ thảo luận về loại yêu cầu nào để đưa ra cho Nga dựa trên danh sách đó", ông Bodnar nói.

"Đây sẽ không phải là một cuộc họp song phương trực tiếp, rất có thể sẽ theo phương thức mà các bên thứ ba cũng tham gia và (các cuộc đàm phán) được thực hiện thông qua các bên thứ ba. Chúng tôi hy vọng sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh này vào cuối năm nay".

Ông Bodnar cho biết Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đã tìm cách duy trì mối quan hệ thân thiện với cả Ukraine và Nga trong chiến tranh, sẽ là một bên tham dự chính do có kinh nghiệm làm trung gian hòa giải các cuộc xung đột khác.

Trong khi ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và lên án cuộc xâm lược cũng như cung cấp hỗ trợ quân sự cho Kyiv, Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, cũng phản đối các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, nước mà Thổ Nhĩ Kỳ có các mối quan hệ trọng yếu về quốc phòng, năng lượng và du lịch.

Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan dự kiến sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Ukraine-Đông Nam Âu tại thành phố Dubrovnik của Croatia vào ngày 9/10. Một nguồn tin ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ông sẽ nhắc lại lập trường của Ankara rằng bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào cũng phải có sự tham gia của cả hai bên để có một giải pháp "công bằng và lâu dài".

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 9/10 nói rằng việc đạt được một nền hòa bình công bằng ở Ukraine sẽ là bất khả thi nếu Kyiv mất đi sự trung lập của mình bằng cách gia nhập một khối như liên minh quân sự NATO do Hoa Kỳ dẫn đầu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nói rằng các cuộc đàm phán hòa bình chỉ có thể bắt đầu nếu Kyiv đồng ý từ bỏ các vùng lãnh thổ rộng lớn mà Moscow tuyên bố chủ quyền và từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO.

Bà Zakharova, khi bình luận về các thông tin rằng phương Tây đang thảo luận về một lựa chọn trong đó Ukraine có thể gia nhập NATO để đổi lấy việc chấp nhận quyền kiểm soát của Nga đối với một vùng lãnh thổ của Ukraine, cho biết rằng không thể đạt được một nền hòa bình công bằng ở Ukraine nếu không đảm bảo tình trạng của Ukraine là trung lập và không liên kết.

Bà Zakharova nói những gì Moscow gọi là "hoạt động quân sự đặc biệt" ở Ukraine là một phản ứng trước sự bành trướng về phía đông của NATO.