Một điểm mà các thành viên hàng đầu của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đồng ý là: không nâng mức trần vay nợ của Hoa Kỳ kịp thời để tránh việc không thực hiện được các nghĩa vụ pháp lý của liên bang là điều thậm phi lý. Ông Jacob Lew là giới chức hàng đầu về ngân sách của Tổng thống Barack Obama.
Ông Lew nói: “Tất cả các nhà lãnh đạo Quốc hội và Tổng thống đều thừa nhận rằng chúng ta phải nâng mức trần nợ, và vấn đề chỉ là bằng cách nào thôi.”
Ông Lew đưa ra nhận định vừa nêu trong chương trình truyền hình This Week của đài ABC.
Nhân vật số 2 của đảng Cộng hòa tại Thượng viện, ông Jon Kyl, cũng đưa ra thông điệp tương tự.
Ông Kyl nói: “Nước Mỹ sẽ không quỵt nợ. Liệu có đạt được sự tiết kiệm nào hay không trong tiến trình vẫn còn là vấn đề phải bàn.”
Các cuộc thương nghị kéo dài nhiều tuần lễ đã không đem lại được một “thỏa thuận vĩ đại” nhằm cắt giảm mức thâm hụt ngân sách là 4 ngàn tỷ đôla trong 10 năm. Tình trạng bế tắc đã khiến phải đưa ra nhiều kế hoạch dự bị để nâng mức trần nợ nếu không đạt được chỉ tiêu 4 ngàn tỷ.
Các nhà lãnh đạo ở Thượng viện đang thương nghị một kế hoạch cho phép Tổng thống Obama gia hạn giới hạn vay mượn của liên bang cho dù kết quả biểu quyết theo đa số tại Quốc hội không đi đến chỗ cho phép thực hiện một biện pháp như thế. Tại Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát, một cuộc biểu quyết dự trù sẽ diễn ra vào cuối tuần này, liên kết việc tăng mức trần nợ với một chỉ tiêu cắt giảm thâm hụt khiêm nhường hơn, cũng như một khoản tu chính hiến pháp đòi hỏi một ngân sách quân bình.
Không có kế hoạch vớt vát nào được coi như giải quyết nổi các vấn nạn tài chính của nước Mỹ. Xuất hiện trên chương trình Face the Nation của đài truyền hình CBS, thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Coburn của tiểu bang Oklahoma chỉ trích mọi mưu toan che chở cho Quốc hội khỏi phải mở các cuộc biểu quyết khó khăn nhằm nâng mức trần vay mượn.
Ông Coburn nói: “Nó giúp tất cả các chính trị gia trút được mọi áp lực. Nó giúp chúng ta thing qua mức giới hạn nợ nần mà không phải thực hiện những chọn lựa khó khăn mà đất nước này phải thực hiện.”
Một đảng viên Cộng hòa khác, thượng nghị sĩ Marco Rubio, đại diện tiểu bang Florida, đả kích mọi sự hạ giảm các mục tiêu cắt giảm thâm hụt.
Ông Rubio nhận xét: “Vấn đề thực sự ở đây không phải là giới hạn nợ nần. Vấn đề thực sự là món nợ đó. Nếu ta chỉ cố gắng nâng mức giới hạn nợ mà không kèm theo một giải pháp khả tín cho vấn đề nợ của nước Mỹ, thì chúng ta sẽ bị rắc rối to.”
Ngày 2 tháng 8 là kỳ hạn chót để nâng giới hạn vay mượn của chính phủ liên bang. Sau ngày đó, các giới chức bộ tài chính Hoa Kỳ cho hay chính phủ sẽ có rủi ro không thực hiện được các nghĩa vụ pháp lý của mình.
Giám đốc Sở Quản lý và Ngân sách Jacob Lew tuyên bố vẫn còn thời gian để đạt được một thỏa thuận và tránh thiệt hại tài chính. Nhưng ông nói thêm rằng thời gian đó đã sắp cạn.
Ông Lew nói tiếp: “Sẽ là điều không may nếu mọi sự lúc nào cũng phải đợi đến phút chót. Đôi khi sẽ không xảy ra hậu quả nào. Ngay lúc này, chúng ta đang ở một vị thế là cả thế giới đang theo dõi, và ta phải làm cho xong việc.”
Các cơ quan đánh giá tín dụng đã cảnh báo về việc có thể hạ cấp món nợ của Hoa Kỳ, khiến cho các trái phiếu của bộ Tài chính Hoa Kỳ bớt hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư và các nước chủ nợ, khiến phải tăng lãi suất lên để thu hút những người mua. Các kinh tế gia cảnh báo rằng lãi suất cao hơn sẽ làm tê liệt sự phục hồi kinh tế vốn đã lung lay của nước Mỹ.
Tòa Bạch Ốc và các nhà lãnh đạo Quốc hội vẫn kiên quyết khẳng định rằng Hoa Kỳ sẽ đáp ứng được nghĩa vụ pháp lý của mình đối với khoản nợ quốc gia 14,3 ngàn tỷ đôla, vào lúc chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến kỳ hạn phải nâng mức trần nợ liên bang. Nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy một thỏa thuận lưỡng đảng để đưa đất nước vào con đường tài chính bền vững. Thông tín viên VOA Michael Bowman tại thủ đô Washington ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.