Thâm hụt thương mại giữa Hoa Kỳ và châu Á tăng thêm

  • Jim Stevenson

Thâm hụt thương mại giữa Hoa Kỳ và châu Á tăng thêm

Tình hình kinh tế yếu kém toàn cầu càng làm cán cân thương mại giữa Hoa Kỳ và châu Á nghiêng thêm, khiến các chuyên viên Mỹ lo ngại thêm về tương lai của kinh tế toàn cầu.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho hay tính đến cuối tháng Tư, kinh tế Mỹ tăng trưởng khoảng 3,2% trong quý 1. Chi tiêu của người tiêu dùng và đầu tư của các doanh nghiệp đều tăng. Nhưng sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ nhập khẩu, tăng gần 9%, trong khi xuất khẩu tăng 5,8%.

Tình hình kinh tế yếu kém của Hoa Kỳ và tác động của nó với châu Á mới đây đã được mang ra thảo luận tại một diễn đàn của văn phòng Nghiên cứu Á châu của tổ chức Carnegie ở Washington. Ông Ashley Tellis, chuyên viên của Carnegie phát biểu:

“Chủ nghĩa tư bản là một hệ thống cực kỳ linh hoạt. Chúng ta đã chứng kiến những yếu kém dễ nhận ra về cách tổ chức của nó, đặc biệt trong hệ thống điều tiết luật lệ. Nhưng bản chất của nó cho phép những chuyển đổi bất tận, và hệ thống này đáp ứng tốt với các tín hiệu của thị trường.”

Ông Tellis nói rằng cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ dẫn đến chuyện có thêm sự can thiệp của chính quyền. Nhưng ông nói chủ nghĩa tư bản sẽ không bị sứt mẻ:

“Hệ thống này sẽ tồn tại. Nó sẽ tiến đến hướng có nhiều sự điều tiết hơn, hy vọng là điều tiết tốt đẹp hơn, và sự giao động, ít ra trong một tương lai có thể đoán trước được, sẽ hướng về điều tiết. Nhưng xin đừng nghĩ rằng đây sẽ là một giới hạn vĩnh viễn. Nó đã giao động theo hướng ngược lại trên hơn 30 năm qua, và sẽ đổi hướng ngược lại để hướng đến điều tiết nhiều hơn, thay vì ít đi. Và đó là nguyên lý của động lực sẽ xác định trong một nghĩa nào đó tình hình kinh tế chính trị và sự tồn tại của chủ nghĩa tư bản trong vòng mấy chục năm sắp tới.”

Thương mại giữa Hoa Kỳ và châu Á chủ yếu liên hệ đến Nhật Bản. Giáo sư William Grimes của trường đại học Boston nói trong lúc kinh tế trợt dốc ảnh hưởng đến các tổ chức tài chính và các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản bị ảnh hưởng theo cách khác:

“Không một nước công nghiệp hóa nào gặp ảnh hưởng nặng như Nhật Bản do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Điều này thật trớ trêu bởi vì các tổ chức tài chính Nhật Bản đặc biệt không bị những sản phẩm tài chính xấu và có những cơ sở vốn liếng vững chắc.”

Kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản giảm phân nửa trong những tháng đầu năm 2009, và sản lượng ôtô, bình thường rất mạnh, cũng bị giảm hơn 50%. Chính phủ Nhật Bản ra tay can thiệp với gói kích cầu hơn 150 tỉ đôla và yêu cầu có những biện pháp toàn cầu, thông qua nhóm G-20.

Ông Grimes nói rằng tình hình kinh tế trợt dốc không thay đổi những yếu tố cơ bản trong trao đổi thương mại giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản:

“Dù đảng nào lên cầm quyền, các yếu tố cơ bản của chiến lược tổng quát của Nhật Bản vẫn không thay đổi. Đó là dựa vào liên minh với Mỹ để duy trì an ninh quốc gia, hòa nhập với hệ thống kinh tế thế giới với đặc điểm là mở cửa cho các giòng chảy thương mại và tài chính, và được tiếp cận bình yên với các nguyên liệu thô mà Nhật Bản rất cần.”

Ông Tellis nói rằng kinh tế Mỹ sẽ vẫn giữ vai trò áp đảo trong ngắn hạn, nhưng trong giai đoạn trung hạn, có nghĩa là từ 7 đến 15 năm, Hoa Kỳ phải trả lời một số câu hỏi vì các nền kinh tế châu Á ngày càng mạnh hơn:

“Liệu Hoa Kỳ có thành công với kế hoạch kích cầu đã tung ra và tất cả những gì đã làm để cứu nguy kinh tế trong 3 năm qua? Liệu Hoa Kỳ trong một ý nghĩa nào đó có thể tạo ra một lối thoát mà không gặp lạm phát, sau khi đã tung ra món tiền to lớn để chi cho việc lấy lại thăng bằng cho hệ thống kinh tế?”

Ông Telli nói rằng giải pháp lâu dài của Hoa Kỳ buộc phải thay đổi tận gốc bằng cách định giá lại đồng đôla và giảm bớt tiêu dùng để làm giảm nhẹ tình trạng mất cân đối:

“Hoa Kỳ đã tồn tại sau khi đi theo một lộ trình nào đó trong suốt từ 20 đến 30 năm qua. Lộ trình này chủ yếu là tiêu dùng để cung cấp động cơ cho nền kinh tế toàn cầu. Nhưng cũng chính tiêu dùng chủ yếu vẫn bảo đảm bằng vốn của các nước khác, những nước có tỷ lệ tiết kiệm cao hơn Hoa Kỳ.”

Mức hàng hóa sản xuất sút giảm của Hoa Kỳ khiến nước này tùy thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu của nước ngoài. Nhiều nhà kinh tế nói rằng Hoa Kỳ cần phải tăng thêm sản xuất để bình ổn thương mại và thúc đẩy kinh tế nội địa.

Nhưng ý kiến này có vẻ khó thực hiện vì tình hình kinh tế suy thoái hồi gần đây đã buộc nhiều công ty đóng cửa và càng làm Hoa Kỳ lệ thuộc nhiều hơn vào hàng hóa của nước ngoài.