Mỹ, Nam Triều Tiên thảo luận về cách đáp ứng đối với miền Bắc

Dân chúng Nam Triều Tiên xuống đường biểu tình tại Seoul ngày 5/1/2011 chống chính sách của Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên đối với miền Bắc

Các nỗ lực ngoại giao nhằm nối lại tiến trình đàm phán với Bắc Triều Tiên dường như đang lấy lại được đà. Thông tín viên Steve Herman của đài VOA từ Seoul tường thuật về chuyến thăm mới đây nhất đến vùng này của các giới chức Hoa Kỳ để thảo luận kế hoạch kế tiếp nhằm giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.

Trên tinh thần như các nhà ngoại giao Hoa Kỳ gọi là "một chuyến công tác lắng nghe," các đặc sứ Mỹ và các giới chức Nam Triều Tiên đã thảo luận cách thức đáp lại những dấu hiệu cho thấy Bắc Triều Tiên có thể sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán.

Khi cuộc họp bắt đầu tại Seoul, Bộ trưởng Ngoại giao Kim Sung-hwan nêu nhận định với trưởng phái đoàn Hoa Kỳ, ông Stephen Bosworth, rằng dư luận tại Nam Triều Tiên đang theo dõi sát chuyến công tác này của ông Bosworth.

Ông Kim nói: “Điều này cho thấy dân chúng Triều Tiên rất quan tâm đến tình hình trên bán đảo.”

Ông Bosworth đáp lại như sau: "Tôi có thể hiểu điều đó. Tôi hy vọng diễn biến này cũng cho thấy là dân chúng Triều Tiên rất tin tưởng vào mối quan hệ vững mạnh giữa Cộng hòa Triều Tiên và Hoa Kỳ và có ấn tượng và được đoan chắc bởi sự phối hợp rất chặt chẽ trong chính sách mà hai nước đang thực hiện.”

Đại sứ Bosworth cũng sẽ mở các cuộc họp trong tuần này tại Bắc Kinh và Tokyo.

Trong lúc rời Bộ Ngoại giao, Đại sứ Bosworth được hỏi liệu Hoa Kỳ có đang gây áp lực đòi Nam Triều Tiên trở lại với tiến trình đàm phán 6 bên hay không. Ông đáp lại là "không bao giờ."

Các cuộc đàm phán, với sự tham gia của cả hai nước Triều Tiên, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga, nhắm mục tiêu chấm dứt các chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên để đổi lấy các lợi ích ngoại giao và kinh tế.

Các cuộc đàm phán đó đã bị đình hoãn hơn hai năm qua.

Hôm qua, người phát ngôn P.J. Crowley của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng diễn biến kế tiếp của tiến trình tùy thuộc vào Bắc Triều Tiên.

Ông Crowley nói: "Chúng tôi mở ngỏ đối thoại đa phương hoặc và song phương, nhưng ngay vào lúc này trách nhiệm tùy thuộc vào Bắc Triều Tiên là phải cho thấy tiến trình đối thoại đó – đa phương hay song phương – sẽ phải mang tính xây dựng."

Báo Korea Herald hôm nay trích lời một giới chức Nam Triều Tiên không nêu tên nói rằng các điều kiện đàm phán sẽ được chuyển cho Bình Nhưỡng ngay khi được Seoul và các đồng minh chung quyết.

Tổng thống Barack Obama sẽ đón tiếp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào của Trung Quốc trong hai tuần lễ nữa và theo dự liệu hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về Bắc Triều Tiên.

Trung Quốc kêu gọi nối lại tiến trình đàm phán 6 bên để giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Nhưng Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên nói rằng các cuộc đàm phán chưa thể bắt đầu được cho đến khi nào Bình Nhưỡng chấm dứt thái độ hung hăng và phải có những bước cho thấy họ giữ lời hứa chấm dứt các chương trình hạt nhân.

Bắc Triều Tiên bị quy trách là đã đánh chìm một chiến hạm của Nam Triều Tiên các đây 10 tháng. Bắc Triều Tiên cũng đã pháo kích vào một hải đải của Nam Triều Tiên vào tháng 11 vừa qua như là một phần trong vụ tranh chấp kéo dài về biên giới trên biển phía tây.

Hai nước Triều Tiên không có quan hệ ngoại giao. Một hiệp ước đình chiến đã duy trì hòa bình tại đây kể từ năm 1953 khi cuộc nội chiến kéo dài ba năm trên bán đảo này chấm dứt.