Mỹ có thể viện trợ lương thực lại cho Bắc Triều Tiên

  • David Gollust

Hoa Kỳ là nước viện trợ nhiều nhất cho Bắc Triều Tiên về thực phẩm kể từ khi Bắc Triều Tiên gặp nạn đói trong thập niên 1990

Đặc sứ của Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên gặp nhau vào thứ Năm tại Bắc Kinh để bàn về chuyện Hoa Kỳ có thể viện trợ lương thực trở lại cho Bắc Triều Tiên. Thách thức lớn nhất là làm sao bảo đảm hàng viện trợ đến tận tay người có nhu cầu.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói một phái đoàn do đặc sứ về nhân quyền tại Bắc Triều Tiên Robert King đứng đầu sẽ gặp các giới chức của Bình Nhưỡng tại Bắc Kinh để xem có thể mở lại các chuyến viện trợ lương thực sau gần 3 năm gián đoạn hay không.

Dù có chế độ khác biệt, Hoa Kỳ vẫn là nước viện trợ nhiều nhất cho Bắc Triều Tiên về thực phẩm kể từ khi Bắc Triều Tiên gặp nạn đói trong thập niên 1990.

Chương trình này bị ngưng hẳn vì có nhiều nguồn tin nói hàng viện trợ đã được giao cho bộ đội hoặc thành phần chính trị ưu tú của Bắc Triều Tiên.

Chuyến viện trợ gần nhất vào năm 2009 đã bị hủy sau khi Bắc Triều Tiên không chịu cho các quan sát viên nói tiếng Triều Tiên theo dõi việc phân phối thực phẩm.

Tại cuộc họp báo hôm thứ Tư, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết:

“Nếu quyết định tiếp tục tiến hành, Hoa Kỳ cần phải có những cách giám sát nghiêm ngặt và rõ ràng.”

Bà Nuland nói hàng viện trợ lần này sẽ gồm “thực phẩm dinh dưỡng” thay vì những mặt hàng truyền thống giống như trước đây.

Hàng truyền thống gồm những bao gạo, bao bắp, rất dễ tuồn sang cho những đối tượng không đúng. Còn hàng dinh dưỡng có thể gồm hàng truyền thống nhưng cũng có thể là vitamin, thuốc bổ dành cho phụ nữ và trẻ em, bánh quy có nhiều chất đạm, hoặc bất kỳ những món dùng cho người thiếu ăn, mà Hoa Kỳ không muốn thấy xuất hiện trên bàn tiệc sang trọng của lãnh đạo cộng sản.

Tình hình thiếu thực phẩm tại Bắc Triều Tiên được xem là nghiêm trọng vì mưa lớn và mùa đông khắc nghiệt hồi đầu năm gây khó khăn cho các vụ mùa, chính nhà chức trách Bình Nhưỡng cũng phải cầu cứu thế giới.

Sau khi đặc sứ King từ Bắc Kinh quay lại Washington, ông sẽ báo cáo cho chính phủ nhưng chưa rõ khi nào thì bắt đầu viện trợ lại.

Phát ngôn viên Nuland xác định vấn đề viện trợ lương thực tách biệt với cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên.