Việc chính quyền Việt Nam tuyên án 12 năm tù và 3 năm quản chế đối với blogger Đường Văn Thái là “quá hà khắc”, giới hoạt động nhận định với VOA. Họ cũng phê phán động thái xét xử kín và giấu thông tin về các bị cáo khác, chưa kể việc chính quyền bắt ông Thái hồi năm ngoái bị xem là có những điểm mờ ám.
“Hội đồng xét xử nhận định việc truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật; tuyên phạt Đường Văn Thái 12 năm tù giam, quản chế 3 năm; các bị cáo còn lại nhận mức án từ 30 tháng đến 5 năm 6 tháng tù”, báo VietnamNet đưa tin hôm 30/10 về vụ án “tuyên truyền chống nhà nước” được xử theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự.
Tổ chức Văn bút Hoa Kỳ (PEN America) hôm 30/10 lên án mức án 12 năm tù đối với ông Đường Văn Thái, cho rằng bản án này “rõ ràng vi phạm quyền tự do ngôn luận”.
“Việc bịt miệng những người bất đồng chính kiến ôn hòa là đi ngược lại các tiêu chuẩn quốc tế”, tổ chức của Mỹ viết trên trang X, đồng thời kêu gọi chính quyền Việt Nam “lật ngược bản án khắc nghiệt này” và trả tự do cho ông Thái.
Khác với cách đưa tin về các phiên tòa trước đây cho cùng tội danh, truyền thông của nhà nước cộng sản hôm 30/10 không tiết lộ danh tính của các bị cáo khác và lý do gì họ bị phạt án tù.
“Tại phiên tòa, các bị cáo bày tỏ ăn năn, hối cải, mong muốn nhận được sự khoan hồng của pháp luật”, các trang báo mạng của nhà nước đồng loạt đưa tin vắn tắt, nhưng không trang nào dẫn ra cáo trạng, nêu các chứng cứ buộc tội hay vì sao các bị cáo “hối cải”.
Your browser doesn’t support HTML5
Luật sư Lê Văn Luân, một trong hai người bào chữa cho ông Thái hôm 30/10, cho biết trên trang Facebook cá nhân sau phiên xử rằng ngoài ông Thái, còn có 7 bị cáo khác cùng vụ. Ông Luân viết: “Bị cáo nhận mức án cao thứ hai là 5,5 năm tù giam. Có 03 bị cáo được hưởng mức án 30 tháng tù giam”, đồng thời nhận định rằng “đây là mức án chưa từng có trong lịch sử” về loại tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”.
Trước đó, một luật sư bào chữa khác của ông Thái là luật sư Lê Đình Việt, chia sẻ với VOA rằng phiên tòa xử ông Thái là phiên xử kín và rằng tình hình sức khỏe của thân chủ ông là “tốt”.
“Đây là bản án quá nặng đối với ông Đường Văn Thái”, luật sư Đặng Đình Mạnh, người từng bào chữa cho những người bị quy kết vi phạm Điều 117 ở trong nước nhưng nay đang tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ, nhận định với VOA.
“Tôi chú ý tới khía cạnh họ xử kín vụ án này, trong đó có một số người tôi cho là quan chức, những người đã tuồn thông tin cho ông Thái để ông Thái đưa tin trên kênh YouTube của mình”, ông Mạnh phán đoán.
“Điều này cho thấy trong hệ thống đảng của họ không phải lúc nào họ cũng thống nhất với nhau tất cả mọi vấn đề và luôn có các thế lực không tán thành, do vậy họ mới tìm cách đưa tin ra ngoài để ông Thái phát đi những thông tin họ giấu giếm”, vẫn luật sư Mạnh. “Do vậy mà họ xử kín để không để lộ những thông tin gì từng bị đưa ra ngoài và những quan chức nào liên quan đến sự việc”.
“Nhưng dù các quan chức đó có tuồn thông tin cho ông Thái như thế nào đi nữa, họ cũng như ông Thái, bị xét xử bất công trong vụ án này”, ông Mạnh nhấn mạnh.
Theo quy định của luật pháp Việt Nam, trong một số trường hợp “cần giữ bí mật nhà nước” toà án có thể xét xử kín nhưng sẽ phải tuyên án công khai.
Trong phiên tòa xét xử kín, chỉ có hội đồng xét xử, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa, bị cáo, đương sự và những người tham gia tố tụng tham dự. Ngoài ra, không một ai khác được ở lại phòng xét xử để theo dõi diễn biến phiên tòa, kể cả nhà báo hay người thân của bị cáo, đương sự, theo Luật Tố tụng Hình sự 2015 của Việt Nam.
Your browser doesn’t support HTML5
“Đối với tôi, đó là một bản án bất công và không thể chấp nhận”, nhà hoạt động Đoàn Huy Chương ở Thái Lan, một người bạn theo dõi các bài nói chuyện và bài đăng của ông Thái trên Facebook và YouTube, bày tỏ quan điểm với VOA.
“Đường Văn Thái bị bắt cóc từ Thái Lan về chứ không phải như những gì mà tờ báo Hà Tĩnh nói là Đường Văn Thái ‘xâm nhập bất hợp pháp’”, ông Chương nêu ý kiến.
Trong một nhận định gửi đến VOA qua email, ông Phil Robertson, giám đốc của tổ chức Bảo vệ Nhân quyền và Quyền Lao động châu Á (AHRLA) có trụ sở ở Thái Lan, phản đối phiên tòa xét xử ông Thái, nhắc lại rằng vụ bắt cóc ông Thái cho thấy “bộ mặt thật của chính quyền Việt Nam là một chế độ độc tài bất hảo, sẵn sàng vi phạm mọi chuẩn mực quốc tế nhằm trấn áp những người chỉ trích họ ở nước ngoài”.
“Ông là người tị nạn, không phải tội phạm, và chính phủ Việt Nam đã thách thức mọi khía cạnh của luật nhân quyền quốc tế, bao gồm cả luật bảo vệ người tị nạn khỏi bị trục xuất, bằng cách bắt cóc ông từ Thái Lan. Chính phủ Việt Nam cũng vi phạm trắng trợn chủ quyền của Thái Lan khi phát động âm mưu bí mật như vậy trên đất Thái Lan”, ông Robertson bày tỏ.
“Thông qua bản án của Đường Văn Thái, chúng ta thấy rằng nhà cầm quyền Việt Nam luôn bịt miệng những người bất đồng chính kiến”, ông Đoàn Huy Chương, một cựu tù nhân chính trị, bình luận.
VOA đã liên lạc với Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội và Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ đưa ra quan điểm về những lời kêu gọi và nhận định trên, nhưng chưa được phản hồi.
Ông Chương, cùng những người bạn và giới hoạt động ở Thái Lan hồi tháng 4/2023 thu thập băng ghi hình và lời kể của nhân chứng về những khoảnh khắc cuối cùng của ông Thái ở Thái Lan để tìm manh mối về vụ mà họ cho là ông bị bắt cóc và đưa về Việt Nam.
Vào ngày 16/4/2023, báo Hà Tĩnh và truyền thông Việt Nam loan tin rằng ông Thái đã “xâm nhập trái phép” vào Việt Nam vào ngày 14/4/2023.
Ba tháng sau, chính quyền Việt Nam tuyên bố ông Đường Văn Thái, 42 tuổi, bị buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước”, điều mà các tổ chức nhân quyền như Phóng viên Không biên giới (RSF), Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), Theo dõi Nhân quyền (HRW) đồng thanh lên án và kêu gọi trả tự do cho ông.
Chính quyền Việt Nam lâu nay vẫn một mực bác bỏ các tố cáo vi phạm nhân quyền, cho rằng họ chỉ bắt giam và xét xử những ai vi phạm pháp luật. Còn trước những lời lên án về án tù dài hạn đối với những tiếng nói bất đồng và lời kêu gọi trả tự do, Hà Nội cho rằng đó là “những luận điệu xuyên tạc”, “không có cơ sở”.